Kinh tế Trung Quốc suy sụp: Tất cả do chiến tranh thương mại?

Quốc tế - Ngày đăng : 00:00, 16/01/2019

Kể từ đầu năm nay, tất cả các công ty lớn của Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Ấn Độ đều lần lượt báo việc kinh doanh tại thị trường Trung Quốc đi xuống.
Kinh tế Trung Quốc suy sụp: Tất cả do chiến tranh thương mại?

Khoảng 65 triệu căn hộ tại Trung Quốc được cho là bị bỏ trống. Nguồn ảnh: Reuters

Không chỉ Apple mà cả Samsung và Jaguar Land Rover đều lên tiếng về ảnh hưởng tiêu cực tại Trung Quốc đối với tình hình kinh doanh của họ.

Những cảnh báo này cũng là dấu hiệu của một căn bệnh trầm trọng hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Financial Times dự đoán ảnh hưởng của sự việc sẽ còn lan rộng hơn trong năm nay.

Các chỉ số chuẩn của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm ngoái đã sụt giảm gần 1/4 giá trị, trải qua giai đoạn tồi tệ nhất so với bất cứ nền kinh tế lớn nào từng gặp phải.

Dù vậy, những tín hiệu xấu nhỏ lẻ này chỉ có tác động tương đối ít với thế giới bên ngoài. Điều này là nhờ việc kiểm soát dòng vốn chặt chẽ của Bắc Kinh và cả sự thiếu gắn kết với nền kinh tế toàn cầu.

Link bài viết

Với tình hình hiện tại, việc từ thị trường vốn đến nền kinh tế thực của Trung Quốc đều chững lại được dự đoán sẽ gây ra tác động lớn hơn nhiều.

Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất toàn cầu. Kể từ 1991 tới nay, 2018 là năm đầu tiên doanh số bán xe tại đây sụt giảm.

Sản lượng ngành sản xuất cũng bị suy giảm trong tháng 12. Thị trường nhà đất cũng không tránh khỏi cảnh lao đao. Kể cả tâm lý người tiêu dùng, doanh thu bán lẻ, cũng như đầu tư tài sản cố định và đầu tư nước ngoài đều chao đảo trong những tháng gần đây.

Theo Financial Times, sẽ là rất tự nhiên khi tất cả đều muốn đổ tội cho cuộc chiến trương mại của Tổng thống Donald Trump vì những số liệu đáng thất vọng này. Nó hàm ý rằng việc kết thúc xung đột sẽ kéo Trung Quốc quay về thời kỳ phát triển hoàng kim.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại được Financial Times đánh giá chỉ là ngòi kích nổ quả bom ngầm của những vấn đề nhức nhối hơn, ẩn sâu trong nền kinh tế của cường quốc châu Á trên.

Mặc cho hơn một thập kỷ nỗ lực để cân bằng lại nền kinh tế, đồng thời thoát khỏi các biện pháp kích thích được đưa ra trong khủng hoảng kinh tế 2008, Trung Quốc vẫn chìm trong nợ nần và các công trình xây dựng triền miên.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán tổng mức nợ của Trung Quốc đã vượt mức 300% so với GDP cho đến cuối năm 2018.

Đa số các khoản vay đều được đổ vào các công trường xây dựng lớn. Từ đầu 2012 đến cuối 2016, Trung Quốc đã sản xuất xi măng nhiều gấp ba lần so với Mỹ trong cả thế kỷ XX. Đa số những khoản đầu tư này đều bị bỏ phí. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Trung Quốc) ước tính khoảng 65 triệu căn hộ được cho là bị bỏ trống.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc đã có thêm khoảng 380 triệu người trong độ tuổi lao động từ 1980 đến 2012. Nhưng, số lượng này đã giảm sâu 5 năm trở lại đây. Tệ hơn, nghiên cứu trên còn dự đoán số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 1/3, còn khoảng 220 triệu người, trong ba thập niên kế tiếp.

Bắc Kinh đã bắt đầu những biện pháp nhằm kích thích kinh tế phát triển. Tuy vậy, họ vẫn không che lấp được những nghi ngờ lớn về hiệu quả thực sự của công thức cũ, như tăng trưởng tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu cơ bong bóng tài sản do nhà nước bảo hộ.