Bàn về khởi sự kinh doanh: Từ động cơ đến hệ sinh thái

Du lịch - Ngày đăng : 06:52, 18/01/2019

Để thành công, người khởi sự kinh doanh không những cần rèn luyện năng lực kinh doanh và quản lý, mà còn cần có động cơ mạnh mẽ, kiên trì thực hiện ý định và quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bàn về khởi sự kinh doanh: Từ động cơ đến hệ sinh thái

Động cơ và ý định

Động cơ khởi sự kinh doanh của nhiều người không giống nhau. Người ta có thể khởi sự kinh doanh do hoàn cảnh đưa đẩy, chẳng hạn do không có việc làm, mất việc hay hoàn cảnh gia đình. Những người này vì bắt buộc mưu sinh, kiếm lời, nên thường cung cấp cho khách hàng những sản phẩm hoặc dịch vụ thông thường, đơn giản, đã có trên thị trường mà không có sự cải tiến nào.

Link bài viết

Những người khác biết khám phá và khai thác cơ hội để kiếm lợi nhuận. Họ làm giàu bằng cách khởi xướng các phương thức hoạt động sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ mới, tạo ra giá trị mới và mang giá trị đó đến đông đảo người tiêu dùng bằng cách tận dụng những nguồn lực hạn chế sẵn có.

Từ đó, người ta thường nhắc đến tinh thần doanh nhân (entrepreneurship). Hiểu theo nghĩa hẹp, khái niệm này thể hiện việc một cá nhân chấp nhận rủi ro để bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới hay một doanh nghiệp mới của mình. Theo nghĩa rộng, tinh thần doanh nhân là thái độ làm việc đề cao tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro để tạo ra các giá trị mới trong các doanh nghiệp hiện tại.

Theo một chu trình khó nhận thấy bằng mắt thường, ý định sẽ đến sau khi có động cơ. Ý định là trạng thái nhận thức ngay trước khi thực hiện một hành vi, đại diện cho mức độ cam kết về hành vi sẽ thực hiện trong tương lai. Như vậy, có thể nói ý định khởi sự kinh doanh là trạng thái tâm lý cá nhân hướng đến việc hình thành, thiết lập hình thức hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái khởi nghiệp

Những cá nhân có ý định khởi sự kinh doanh có thể chưa thực hiện hành vi nào liên quan như tìm kiếm cơ hội, huy động vốn hay xúc tiến công việc, nhưng họ khao khát và có niềm tin tích cực vào khả năng thành công. Ý định này càng mạnh mẽ càng dẫn đến những nỗ lực lớn để bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh.

Ý định là tiền đề dẫn đến quyết định và hành vi khởi sự doanh nghiệp. Điều quan trọng cần lưu ý trong giai đoạn này là để đạt được thành công, doanh nghiệp khởi nghiệp không thể hoạt động riêng lẻ mà phải đặt trong hệ sinh thái khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem) rộng lớn để có thể được hỗ trợ, hợp tác và phát triển.

Tinh thần doanh nhân là thái độ làm việc đề cao tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro để tạo ra các giá trị mới trong các doanh nghiệp hiện tại.

Hệ sinh thái khởi nghiệp là thuật ngữ chỉ một tập hợp hay cộng đồng (community) bao gồm những thực thể cộng sinh, chia sẻ bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những chức năng cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp thường được đề cập là chức năng khởi nghiệp (startup, cộng đồng khởi nghiệp), chức năng hỗ trợ (Chính phủ, vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới các nhà khởi nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các trường đại học, các chuyên gia cố vấn) và chức năng đầu tư (các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty đầu tư mạo hiểm, các nguồn tài trợ dưới dạng cho vay hay trợ cấp, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh...).

Nhìn chung, các hệ sinh thái khởi nghiệp được xác định bởi mạng lưới tương tác giữa con người, tổ chức và môi trường của họ. Cộng đồng khởi nghiệp là nơi những người kinh doanh có thể cùng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hay nguồn vốn, cùng hợp tác để có thể tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị để cung cấp cho xã hội.

Những người khởi nghiệp kết nối với nhau qua các sự kiện, trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu, những buổi hội thảo,... Ở đó, họ có thể gặp được những nhà đầu tư, những cơ hội kinh doanh, những đối tác, người cộng sự để có thể cùng nhau phát triển, hỗ trợ. Khi các mối quan hệ này bắt đầu được hình thành và phát triển, đạt được đến quy mô và độ liên kết cần thiết, lúc đó hệ sinh thái khởi nghiệp được định hình.

MAI ĐẮC LINH NGÂN