Spotify có nên đổi cách trả tiền cho nghệ sĩ?

Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 18/01/2019

Nhiều người cho rằng, cách thanh toán hiện tại của Spotify chỉ có lợi cho những ngôi sao nhạc pop hạng A. Liệu một hệ thống thanh toán mới có phải là cách giải quyết?
Spotify có nên đổi cách trả tiền cho nghệ sĩ?

Ban nhạc The Rolling Stones biểu diễn ở Đức

Phương thức thanh toán hiện tại của Spotify

Năm 2011, nghệ sĩ nhạc điện tử Jon Hopkins (Anh) viết trên Twitter rằng rất tức giận khi chỉ được trả 8 Euro (9,1 USD) cho 90.000 lượt nghe trên Spotify. Còn năm 2013, Thom Yorke của ban nhạc Radiohead chia sẻ với tờ Sopitas (Mexico) rằng: "Với vai trò là những nhạc sĩ, chúng ta cần chống lại Spotify".

Tuy nhiên, kể từ sau lời công kích của Thom, cộng đồng người dùng thường xuyên của Spotify đã tăng từ 36 triệu năm 2013 lên tới 191 triệu vào khoảng cuối năm 2018; đăng ký trả tiền tăng từ khoảng 6 triệu đến hơn 87 triệu người.

Dịch vụ âm nhạc phát trực tuyến dẫn đầu là Spotify đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thu âm Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Và hơn một năm trước, sản phẩm solo của Thom Yorke đã thầm lặng có mặt trên Spotify - cho thấy ác cảm với Spotify của anh đã giảm đi, tương tự Taylor Swift hay ban nhạc The Black Keys.

Link bài viết

Dù vậy, nền công nghiệp âm nhạc thế giới đã sẵn sàng cho cuộc "đấu khẩu" công khai về số tiền Spotify sẽ trả cho các ngôi sao trong năm 2019. Trong đó tập trung vào cách thức chuyển và nhận tiền như thế nào.

Hiện Spotify và các dịch vụ phát trực tuyến lớn khác đang trả tiền cho những người nắm bản quyền âm nhạc bằng mô hình "pro rata" (dựa theo %). Nghĩa là Spotify sẽ tổng kết toàn bộ lợi nhuận kiếm được mỗi tháng, rồi chia theo sự nổi tiếng của từng bài hát riêng. Ví dụ, nếu 5 bài hát của Drake thu hút 2% tổng lượt nghe trong tháng thì anh và những người sở hữu bản quyền sẽ nhận 2% trong số tiền người dùng trả phí cho Spotify.

Có vẻ công bằng? Nhưng nhiều người cho rằng, "pro rata" chỉ có lợi cho những siêu sao nhạc Pop, bỏ rơi những người như Jon Hopkins chẳng hạn. Vì vậy, Spotify và các đối thủ nên áp dụng mô hình thanh toán "tập trung vào người dùng". Nếu bạn trả 9,99 USD/ tháng cho Spotify Premium (cao cấp) và không nghe nhạc ai ngoài Jon Hopkins, thì khoảng 6,99 USD/tháng sẽ chia cho một mình Jon Hopkins.

Tranh cãi chưa có hồi kết?

Để tôn vinh sự bình đẳng và dân chủ, liệu đã đến lúc Spotify nên lấy của người giàu chia cho người nghèo? Một nghiên cứu khác gần đây được đồng thực hiện bởi Will Page - Giám đốc Tài chính của Spotify, đã bày tỏ nghi ngờ đối với kết luận trên.

Báo cáo của Will công bố vào tháng 8/2017 lưu ý rằng, cần có "những chi phí tài chính quan trọng khi triển khai mô hình "tập trung vào người dùng" bắt nguồn từ việc "tạo ra và duy trì hàng triệu tài khoản độc nhất liên kết với hàng triệu nghệ sĩ độc nhất". Nếu thay đổi thì tổng số tiền Spotify trả cho nghệ sĩ sẽ giảm "đáng kể" vì sự gia tăng chi phí quản lý. Và những nghệ sĩ trung bình (99,6%) cũng không kiếm được nhiều hơn ở mô hình "tập trung vào người dùng".

Drake là ca sĩ  có doanh thu cao trên Spotify

Drake là ca sĩ có doanh thu cao trên Spotify

Một khía cạnh khác của cuộc tranh cãi này gắn liền với vụ gian lận tinh vi tại Bulgaria mà MBW phát hiện hồi tháng 2/2017. Thủ phạm đã mua hơn 1.000 tài khoản Spotify cao cấp dùng để phát nhạc liên tục 24 tiếng/ngày. Những bài hát được nghe bởi những tài khoản giả này (suốt nhiều tháng) đều thuộc sở hữu của người gian lận, và kẻ đó đã kiếm được một triệu USD.

Sau vụ gian lận tại Bulgaria, Diễn đàn các nhà quản lý âm nhạc có trụ sở tại Anh đã công khai đề nghị Spotify và những dịch vụ phát trực tuyến khác áp dụng mô hình "tập trung vào người dùng". Annabella Coldrick - Giám đốc của Diễn đàn cho rằng, mô hình này sẽ "ngăn chặn những vụ gian lận như trên" và "rõ ràng là nó công bằng hơn, bổ sung tính minh bạch và trách nhiệm cao hơn trong chuỗi giá trị phát trực tuyến".

Mark Mulligan - Người sáng lập Midia Research chia sẻ: "Mô hình này rõ ràng có nhiều tính tốt, tuy sức ảnh hưởng đối với sự phân chia thu nhập cho nghệ sĩ chưa thật rõ ràng. Nhưng trên nhiều khía cạnh, nó công bằng hơn "pro rata".

Đối thủ của Spotify là Deezer đang cân nhắc chuyển sang mô hình "tập trung vào người dùng" trong suốt năm qua. Amazon cũng đang tạo sức ảnh hưởng tiềm năng lên Amazon Music Unlimited. Nếu có phản đối việc thông qua mô hình này thì đó là những công ty và nhà phát hành âm nhạc lớn đang hưởng lợi từ "pro rata".

Tuy nhiên Hartwig Masuch  - Giám đốc của BMG (công ty sở hữu bản quyền âm nhạc lớn thứ tư trên thế giới với doanh số hơn 500 triệu USD/năm) cho biết hoàn toàn ủng hộ mô hình này: "Một số dịch vụ trực tuyến sẽ cho rằng, nó không tạo ra quá nhiều khác biệt. Điều đó không quan trọng bằng việc có thể nói với các nghệ sĩ rằng, mô hình này rất công bằng. Và cuộc tranh cãi về cách thức trả tiền này là một cuộc chiến tiếp theo trong sự phát triển của dịch vụ phát trực tuyến".

PHÚC NHƯ THỦY