CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó với cơ hội và thách thức thế nào?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:19, 18/01/2019

LS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch HĐQT Hệ thống luật Thịnh Trí, Doanh nhân tiêu biểu TP.HCM năm 2018, nói về tác động của CPTPP: Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với cơ hội và thách thức.
CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó với cơ hội và thách thức thế nào?

Ảnh minh họa: Huỳnh Phạm Anh Dũng

luat-su-nguyen-vinh-huy-doanhnhansaigon.

* Báo Doanh nhân Sài Gòn: Thưa ông, Hiệp định CPTPP khi có hiệu lực sẽ có tác động trực tiếp tới những vấn đề pháp lý cụ thể gì mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm?

- LS. Nguyễn Vinh Huy: CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm cả những cam kết về những vấn đề mới, phi truyền thống. Cụ thể như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước với các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Khi có hiệu lực, CPTPP sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam. Đó vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết CPTPP liên quan tới mình để đánh giá các cơ hội cũng như thách thức nhằm xây dựng kế hoạch ứng phó và tận dụng, đặc biệt cần phải quan tâm tới các vấn đề sau đây: các thông tin về đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, ưu đãi thuế quan theo hiệp định, lao động, đấu thầu mua sắm công...

* Theo ông, trong trường hợp những quy định hiện hành của Việt Nam chưa phù hợp với các thỏa thuận trong hiệp định thì các doanh nghiệp phải xử lý thế nào?

- Căn cứ theo khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: "Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp".

Vì vậy, khi Việt Nam đã là một thành viên của CPTPP thì theo cách áp dụng pháp luật Việt Nam sẽ ưu tiên áp dụng Hiệp định nếu có mâu thuẫn với luật trong nước, trừ những trường hợp điều ước quốc tế đó trái với Hiến Pháp thì không được ưu tiên.

Hiện nay, CPTPP đã có hiệu lực. Tuy nhiên, các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn chưa phù hợp nhất quán với hiệp định. Đó chính là một trong những khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp và nhà nước Việt Nam.

* Nay hiệu lực thực thi CPTPP có giúp gỡ khó cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này không?

- Khung pháp lý của các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ là khuôn mẫu cho việc vận hành các nền kinh tế và xây dựng, hoàn thiện các thiết chế của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Với các Hiệp định này mà đặc biệt là CPTPP, chúng ta sẽ tăng tốc mở cửa với thế giới, tạo lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó - cơ sở để xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh với những quy phạm, quy định cao hơn, toàn diện hơn.

Cụ thể, trên cơ sở các cam kết được quy định trong các hiệp định như CPTPP thì các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ có khả năng đệ đơn kiện chính phủ của các quốc gia thành viên tại tòa án đặc biệt để giải quyết các vấn đề tranh chấp, nếu các quốc gia này ban hành các chính sách, đạo luật trái với các thỏa thuận, cam kết. Tòa án đặc biệt này có toàn quyền buộc chính phủ của các quốc gia có hành vi vi phạm các thỏa thuận trong hiệp định đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn cho những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.

* CPTPP là động lực để Nhà nước tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế nhiều hơn nữa. Theo ông, những nhóm pháp lý nào Nhà nước nên ưu tiên, qua đó giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội?

- Để các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt những cơ hội đó, Nhà nước cần phải bắt đầu cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách; phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực; sửa đổi các quy định pháp luật nội địa theo hướng để vừa có thể bảo đảm tuân thủ cam kết CPTPP, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam.

Nhà nước cần chuyển hóa một cách thống nhất, hiệu quả các cam kết vào hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi các cam kết minh bạch, thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp giải phóng nguồn lực, tận dụng tốt nhất các cơ hội.

Trước hết, Chính phủ tiếp tục cho triển khai việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của CPTPP. Chúng ta cần phải tiếp cận các quy định trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết; sửa đổi một số điều trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan.

Chính phủ cần phải tiếp tục xây dựng một chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

* Trân trọng cảm ơn luật sư.

NGUYÊN PHONG