Muốn kinh doanh thành công thời 4.0, hãy bắt đầu từ thay đổi nhỏ nhất

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:00, 18/01/2019

Năm 2018, Việt Nam có thêm nhiều Hiệp định Thương mại song phương và đa phương (FTA) với những điều khoản mở rộng, tự do thương mại - kinh doanh đi vào đời sống. Cùng với những Hiệp định được thông qua giữa các nước/ khối, là làn sóng “khổng lồ” đầu tư của nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam.
Muốn kinh doanh thành công thời 4.0, hãy bắt đầu từ thay đổi nhỏ nhất

Phan Minh Thông- Chủ tịch Phúc Sinh Group

“Chìa khóa” giải mã nút thắt cạnh tranh 

Đối với ngành nông nghiệp, khi Hiệp định Thương mại tự do có dấu hiệu đồng ý cả hai bên giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, đã có rất nhiều công ty châu Âu đầu tư vào ngành này, mở kho hàng hóa và xây nhà máy sản xuất. Trong đó có cả những công ty vốn chỉ mở văn phòng tại Việt Nam trong 20 năm qua.

Nếu công ty nào đã có kho, nhà máy thì họ mở rộng và đẩy sản xuất tăng lên, kéo theo sự cạnh tranh quyết liệt ở mọi cấp độ. Các công ty sẽ khó tuyển dụng nhân lực hơn và phải trả lương, cùng chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn để có được người lao động.

Ở khía cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty phải cạnh tranh dữ dội để có nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm để bán. Kinh doanh nông sản ở năm 2018 và chắc chắn ở nhiều năm tới được dự báo sẽ khốc liệt.

Cả chục năm trước, khi nhìn thấy các doanh nghiệp Singapore hay Hong Kong cạnh tranh với các doanh nghiệp châu  Âu, Phúc Sinh Group đã sớm nhận thấy "chìa khoá" giải mã mọi nút thắt cạnh tranh là tư duy của con người. Tạo sao chúng ta không làm như các doanh nghiệp lớn?

Với câu hỏi này, chúng tôi đã tìm cách bán hàng cho người mua châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ mà ít qua trung gian, để có thể bán được nhiều hàng hơn.

Khi người châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ qua Việt Nam mở kho, mở nhà máy thì chúng tôi nghĩ đến việc không chỉ cạnh tranh ở thị trường nội địa, mà phải hoàn thiện dịch vụ và cạnh tranh với họ ở cả bên châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ thì mới tồn tại được lâu dài.

Chúng tôi đã xúc tiến tìm đại diện bán hàng ở các nước trung tâm châu Âu, Mỹ. Cùng với đó là mang hàng qua nước họ bán và làm chuyển khẩu để hoàn thiện dịch vụ.

Chúng tôi tìm cách bán hàng tại các kho ngoại quan bên châu Âu và Mỹ; hay qua Brazil, Indonesia mua tiêu, cà phê bán cho người mua Trung Đông, châu Âu và Mỹ. Bởi vậy, khi khách mua cà phê và tiêu, chúng tôi không chỉ bán hàng có xuất xứ Việt Nam mà còn có Brazil, Indonesia, Ấn Độ... theo phương châm đa dạng dịch vụ, cung cấp hàng hoá một cách đa dạng về chủng loại nhất cho khách hàng.

Rõ ràng chỉ có cạnh tranh tại thị trường người mua, thì chúng tôi mới có thể cạnh trạnh với các nước, thay vì chỉ thuần túy là cung cấp hàng từ Việt Nam.

Cà phê tỏa hương trên đất Sơn La

Khai thác những mặt hàng mới từ mọi thị trường, Phúc Sinh cũng liên tục làm ra các sản phẩm mới bất cứ khi nào có cơ hội và điều kiện. Phúc Sinh Sơn La là một dự án đầy thách thức và “quyến rũ”.

Muốn thành công thời 4.0, hãy bắt đầu từ thay đổi nhỏ nhất

Khách tham quan cà phê Blue Sơn La

Sơn La trồng cà phê đã trên 35 năm, cà phê rất ngon nhưng ít ai biết và gần như không ai đầu tư xây nhà máy hoàn chỉnh ở đây.

Dù quãng thời gian 35 năm ấy đã có rất nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào Việt Nam đầu tư khai thác và chế biến cà phê. Cũng có những công ty thu mua cà phê của dân, hay họ tự sản xuất nhưng do đầu tư không đồng bộ, nên cà phê thành phẩm không ngon, không khác biệt nhiều và không bán được giá tốt.

Thậm chí có thông tin khi cà phê được mùa, để bán hết số lượng cà phê tại Sơn La, thương lái phải chở vào Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đà Lạt trộn với cà phê Arabica và Robusta ở đây để bán. Điều này thực sự đáng tiếc cho sản vật cà phê đặc biệt như Arabica Sơn La.

Tháng 3/2017, lần đầu tiên chúng tôi đến Sơn La. Ngay lập tức chúng tôi cảm nhận được Sơn La là vùng đất tuyệt vời của cà phê.

Chúng tôi tìm cách xây nhà máy và đã nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp, chính quyền. Chỉ sau 8 tháng xây dựng, nhà máy Phúc Sinh Sơn La đã hoàn thành với máy móc 100% nhập khẩu từ Colombia.

Chúng tôi mời khách hàng khắp nơi, cùng các công ty lớn trên thế giới về Sơn La khai trương nhà máy và dây chuyền chế biến cà phê hiện đại theo chuẩn quốc tế, hệ thống xử lý nước thải chất lượng loại A, đồng thời khảo sát các vùng trồng cà phê ở Sơn La.

Muốn thành công thời 4.0, hãy bắt đầu từ thay đổi nhỏ nhất

Một phần dây chuyền nhà máy

Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã xuất khẩu cà phê dưới thương hiệu Blue Sơn La và được khách hàng chấp nhận. Thật tuyệt khi chúng tôi có sản phẩm tốt để xuất khẩu, còn người dân không phải chở cà phê vào Tây Nguyên để bán.

Công ty chúng tôi đã tạo được một phần công ăn việc làm cho các hộ nông dân, người lao động địa phương để có cuộc sống tốt hơn.

Cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào hạ tầng vận tải

Tuy nhiên, bước vào kinh doanh nông sản mới thấy vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua. Nếu không có tâm huyết với ngành nông nghiệp, chúng tôi tin chắc rằng, nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” để đầu tư.

Đơn cử, nếu đi từ TP.HCM ra Sơn La mất 11 tiếng (gần một ngày), trong khi từ TP.HCM đi châu Âu, máy bay cất cánh lúc 23g30 đến 6g30 sáng (giờ châu Âu) là đã tới Frankfurt. Tận dụng thời gian di chuyển vào ban đêm nên sáng hôm sau chúng tôi vẫn làm việc được, không bị mất thời gian cả một ngày đi đường.

Nếu tính chi phí vận chuyển, nhiều người cho rằng, sản xuất và vận chuyển trong nước thì chi phí sẽ ít hơn. Song thực tế chuyên chở một container 20‘fcl (hàng đủ xếp nguyên container) từ Hải Phòng, TP.HCM đến cảng chính châu Âu như Amsterdam ( Hà Lan), Hamburg (Đức), Anwerpt (Bỉ)… tốn 700 USD; trong khi kéo container từ Sơn La về Hải Phòng tốn 15 triệu đồng, và từ Sơn La vào TP.HCM thì tốn 30 triệu đồng.

Như vậy, chi phí vận chuyển lẫn chi phí thời gian đều đội lên rất nhiều. Chúng ta đang nói đến thế giới phẳng và kinh doanh thời 4.0, nhưng để đạt được điều đó, cần cải tiến và thay đổi điều này.

Hiện nay, Chính phủ đang kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và cho đó là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng và logistic, được xem là mạch máu lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều phải đổi mới và đồng bộ hóa công nghệ 4.0.

Cá nhân tôi hay đi công tác đến các vùng miền khác nhau của đất nước và thường qua lại các trạm thu phí. Đến tỉnh Bình Dương thì thu phí tự động nên nhanh chóng, thuận tiện nhưng về TP.HCM thì thu phí gần như không còn tự động, phải “thò cổ” ra khỏi xe nộp tiền. Đi xuống Đồng Nai cũng vậy. 

Tôi nghĩ chúng ta hay nói đến 4.0 nhưng việc thu phí tự động ở các tỉnh miền Nam hay rộng ra trên cả nước thì có gì khó đâu, chỉ cần cơ quan chủ quản hay các cấp lãnh đạo đưa ra thời hạn lựa chọn máy thu phí là có thể đi khắp đất nước mà không phải “thò cổ” ra nộp tiền.

Chỉ cần có máy quét trả tiền trước là giảm được bao nhiêu ách tắc, công nghệ 4.0 là ở đấy chứ đâu xa. Muốn kinh doanh thành công thời 4.0 phải bắt đầu từ thay đổi nhỏ như thế.

 (*- Tác giả: Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group)

PHAN MINH THÔNG