Kỳ vọng gì ở doanh nhân tuổi hai mươi?
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 20/01/2019
Các bạn đều là những gương mặt trẻ, có bạn vừa cầm bằng tốt nghiệp ở Mỹ về, lập tức trở thành ông chủ của một hãng sản xuất, ông chủ của chuỗi dịch vụ lớn trong ngành dịch vụ du lịch.
Tất cả đều có nền tảng xuất phát từ gia đình có bố mẹ là doanh nhân thành đạt, được gửi đi học trường dạy kinh doanh nổi tiếng ở nước ngoài, về nước được gia đình gầy dựng cho một doanh nghiệp và trao trọng trách quản lý, điều hành .
Với nền kiến thức có được từ Âu - Mỹ, đa số "doanh nhân tuổi 20" đều cho rằng, họ học được triết lý làm ông chủ trẻ phải có ước mơ táo bạo, xây dựng được môi trường làm việc thân thiện, tạo điều kiện hết mức cho cấp dưới phát huy khả năng sáng tạo.
Thế nhưng, khởi nghiệp với doanh nghiệp vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng, bước một bước từ ghế giảng đường và một kỳ thực tập ngắn ở nước ngoài rồi về ngồi vào ghế điều hành, họ có làm nên sự nghiệp như kỳ vọng của gia đình và xã hội?
Đặt kỳ vọng vào lớp doanh nhân trẻ được đào tạo bài bản ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, lại thừa hưởng sự sáng tạo của gia đình có truyền thống sản xuất kinh doanh là điều không thể khác đi được nếu hướng đến một doanh nghiệp thành đạt hiện nay.
Đã đến lúc lớp doanh nhân trẻ này xuất hiện và bắt đầu gánh vác sự nghiệp riêng. Đất nước có quyền kỳ vọng vào họ.
Một lớp trẻ Việt Nam có học, có tài sản lớn, nhưng bao giờ họ trở thành doanh nhân có tên tuổi, có uy tín như cha mẹ họ tay trắng làm nên sự nghiệp, tạo nên xu hướng kinh doanh theo đuổi những giá trị kinh tế và xã hội bền vững?
Nhiều doanh nhân thành đạt ở Việt Nam muốn con cái kế thừa sản nghiệp gia đình bằng cách phát triển sản xuất, kinh doanh là phổ biến. Và họ đã làm tất cả với lòng tự hào, nhưng không tránh khỏi quá lố.
Chuyện kể rằng, có bà chủ tịch hội đồng quản trị một công ty nọ mời các trưởng bộ phận đến họp bất thường. Cuộc họp đột xuất vì hai đứa con của bà từ Hà Lan về nghỉ hè cần đóng góp mấy ý kiến cho công ty.
Họ nói tiếng Việt pha tiếng Anh do đã ở nước ngoài lâu, ý kiến đóng góp để phát triển công ty không thực tế vì hầu hết những đóng góp đó là kiến thức học được từ sách vở.
Hai chủ nhân tương lai góp ý xong rồi trở lại châu Âu học tiếp. Giám đốc điều hành không thể cụ thể hóa được những đóng góp thiếu thực tiễn ở Việt Nam, nên vẫn làm theo cách của mình.
Tôi từng gặp một "cô gái nghìn tỷ” trong một hội thảo. Gia đình cô đang sở hữu những doanh nghiệp lớn, sau khi ở nước ngoài về, cô đã "chia lửa" với người cha đang đối diện với khủng hoảng truyền thông.
Suốt hội thảo, cô chỉ loay hoay tìm cách tiếp cận để trao quà làm thân với những người có khả năng giúp doanh nghiệp gia đình. Cảm giác là rất tiếc, khi chính cô vừa khởi nghiệp đã vứt đi những triết lý kinh doanh học ở nước ngoài, để "đi ngang về tắt" nhằm đạt được mục đích của mình.
Trường hợp khác, hỏi một người trẻ đang theo đuổi nghiệp kinh doanh "thần tượng" ai, bạn nói đọc sách nhiều nhưng không chọn thần tượng trong sách, mà chọn một nữ doanh nhân sở hữu một doanh nghiệp trong ngành giáo dục vì tầm nhìn kinh doanh của bà mang lại giá trị lâu dài. Có thể hy vọng người trẻ này sẽ có hướng kinh doanh theo triết lý thực tiễn như vậy.