Quản trị tri thức - Mô hình quản trị hiện đại
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 07:00, 21/01/2019
Tri thức là tài sản quý nhất
Tri thức nói chung là kỹ năng, sự hiểu biết mà một cá nhân có được thông qua giáo dục và trải nghiệm. Tri thức xuất phát từ cá nhân, nhưng cũng tồn tại ở cấp độ nhóm, cấp độ doanh nghiệp, tổ chức và cấp độ liên tổ chức.
Ở cấp độ doanh nghiệp, tri thức thể hiện qua sản phẩm, thiết kế, nhãn hiệu, dữ liệu, bằng phát minh, sở hữu trí tuệ...; còn tri thức tồn tại ở dạng ẩn thì bao gồm bí quyết công nghệ, kinh nghiệm làm việc, văn hóa doanh nghiệp...
Đáng lưu ý là những quy luật chi phối tri thức khác hẳn những quy luật chi phối thế giới vật chất. Chẳng hạn, cùng một cái máy, khi một người đang sử dụng thì những người khác không sử dụng được, chất lượng máy coi như bị hao mòn và giảm giá trị sau khi chuyển giao cho người khác. Nhưng với tri thức, ai cũng có thể đồng thời sử dụng và sử dụng càng nhiều thì càng tăng giá trị.
Không như các nguồn lực có giới hạn như đất đai và vốn, tài sản tri thức và trí tuệ là nguồn tài nguyên vô hạn, có thể sinh ra nhiều lợi nhuận qua hệ thống sử dụng và ứng dụng chúng. Trên thực tế, nhiều công ty đã đạt siêu lợi nhuận bằng cách sáng tạo, duy trì các bí quyết về vật liệu, sản phẩm và quy trình sản xuất, kinh doanh.
Quản trị tri thức
Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ "kinh tế tri thức", tức là nền kinh tế tạo ra giá trị và phát triển chủ yếu dựa vào tri thức (knowledge-based economy), trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Trong bối cảnh nền "kinh tế cơ bắp", tạo ra giá trị chủ yếu dựa vào lao động phổ thông, nhân công giá rẻ, và nền "kinh tế đào mỏ”, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, trở nên lỗi thời, mang lại giá trị thấp hoặc gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nền kinh tế tri thức đang được quan tâm đặc biệt vì mang lại giá trị cao và phát triển bền vững.
Khái niệm quản trị tri thức là một nhận thức mới. Lý thuyết và mô hình quản trị tri thức chỉ mới xuất hiện hơn hai thập kỷ, quá non trẻ so với lịch sử quản trị doanh nghiệp đã diễn ra hàng thế kỷ.
Nói một cách đơn giản nhất, quản trị tri thức đi từ lưu trữ và khai thác thông tin cho đến kiến tạo, truyền bá và sử dụng tri thức cho các mục đích đã xác định của tổ chức, doanh nghiệp.
Để trở thành một tổ chức sáng tạo tri thức, đầu tiên các doanh nghiệp cần xây dựng tổ chức học tập và cộng đồng thực hành (community of practices).
Trong một tổ chức học tập, toàn bộ cá nhân được tạo điều kiện về thời gian, môi trường và chính sách để liên tục học tập. Một tổ chức học tập liên tục không chỉ thúc đẩy phát triển năng lực từng thành viên mà còn không ngừng tự biến đổi lên một tầm cao mới.
Cộng đồng thực hành gồm những người có chuyên môn cùng nhau chia sẻ tri thức, phát triển bản thân và thúc đẩy sự tiến bộ chung.
Để đạt hiệu quả cao trong quản trị tri thức, cần xây dựng tầm nhìn tri thức của doanh nghiệp. Theo đó, cá nhân có thể xác định dễ dàng định hướng kiến tạo tri thức. Mặt khác, cần xây dựng các nhóm đặc biệt kiến tạo tri thức và môi trường tương tác cao trong doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tri thức.
Cũng cần chú ý xây dựng mạng lưới liên kết với môi trường bên ngoài, bao gồm: khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, dựa trên sự thấu hiểu, kích thích các chủ thể bộc lộ tri thức tiềm ẩn của họ.
Để các hoạt động đó triển khai tốt, người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng. Khả năng nhạy cảm đánh giá sự việc, nắm bắt bản chất của sự việc và có hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề, cùng với khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy các cấp quản trị trung gian là những yếu tố quyết định sự thành công.
Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển khác đi sau trong kỷ nguyên tri thức mới. Quản trị tri thức vẫn còn mới mẻ đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Tuy nhiên, các nhà quản trị Việt Nam đang có cơ hội tốt để tiếp cận và áp dụng các mô hình quản trị tri thức đã được phát triển và ứng dụng thành công trên thế giới. Vấn đề là cần phải kịp thời thay đổi nhận thức và thật sự quan tâm đến lĩnh vực này.