Trung Quốc - yếu tố "nhạy cảm" của kinh tế thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 06:24, 22/01/2019
Tại một nhà máy may ở Quảng Châu, Trung Quốc. Nguồn ảnh: NYT |
Đó là những đánh giá trong bài viết đăng trên báo New York Times ngày 20/1. Các phân tích cho thấy hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút và khó có thể trở thành động lực phát triển toàn cầu như trước.
Tại thành phố Trùng Khánh phía tây Trung Quốc, các nhà máy lắp ráp của hãng Ford đã hạ tốc độ hoạt động. Ở tỉnh phía đông Giang Tô, hàng trăm nhà máy hóa chất đóng cửa. Ở tỉnh Quảng Đông, công nhân nhàn rỗi vì không có gì để làm.
Đó là những chi tiết có thể phản ánh được số liệu do chính quyền Trung Quốc đưa ra gần đây: trong ba tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cụ thể, quý cuối của 2018 chứng kiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thể, năm 2018 Trung Quốc tăng trưởng 6,6%, tốc độ chậm nhất từ năm 1990.
Dù nhiều nhà kinh tế chưa dám tin vào số liệu của Trung Quốc đưa ra, tốc độ này cũng khiến các nhà đầu tư lo âu về khả năng doanh nghiệp của họ bị ảnh hưởng.
Các lĩnh vực mà Trung Quốc là thị trường cực mạnh cũng sa sút. Doanh số bán xe giảm mạnh từ mùa hè năm 2018, và tương tự là điện thoại thông minh. Bất động sản cũng trì trệ, khi các nhà phát triển trong tình trạng nợ nần phải trả lãi suất cao hơn.
Bản thân Trung Quốc, ở thượng tầng, cũng đang giải quyết bất đồng trong vấn đề thương mại với phương Tây. Điều này có ảnh hưởng rất lớn, nếu biết rằng xưa nay Trung Quốc vốn dĩ bị cáo buộc giúp đỡ các công ty trong nước cạnh tranh bằng chính sách ép buộc các công ty nước ngoài “nhả” lại tiến bộ công nghệ khi đầu tư.
Cecilia Malmstrom, ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU), tại một cuộc phỏng vấn ở Washington gần đây khẳng định đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc đang giảm sút. Bà Malmstrom cho rằng việc kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng phức tạp do điều kiện làm ăn, sự phân biệt đối xử của chính quyền với công ty ngoại hoặc việc bảo hộ công ty trong nước.
Nhận định này có thể được minh chứng qua việc hãng công nghệ Apple đã cảnh báo về việc nhu cầu người dùng sản phẩm điện thoại iPhone có thể xuống mức thấp hơn dự kiến ở Trung Quốc. Và câu hỏi hiện nay là liệu các nhà đầu tư đang nóng lòng mở rộng thị phần ở nước ngoài liệu có trì hoãn kế hoạch của họ ở Trung Quốc hay không, còn người đang nắm cổ phiếu ở các công ty có chi nhánh Trung Quốc liệu có bán tháo hay không.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (trụ sở Washington, Mỹ), nhận xét: “Kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu cực kỳ nhạy cảm đối với tăng trưởng của Trung Quốc và tình hình hiện nay. Mối liên quan trực tiếp về tài chính đang khá khiêm tốn, nhưng chúng chắc chắn bị những yếu tố nhạy cảm tác động”.
Vấn đề hiện nay là việc chính quyền Trung Quốc vẫn cố gắng giữ con số tăng trưởng bằng chi tiêu chính phủ, doanh nghiệp tư nhân thì đang "rụt tay", còn người tiêu dùng cũng không mạnh dạn móc ví nữa. Các thị trường lớn như xe hơi và điện thoại tại Trung Quốc đồng loạt chứng kiến doanh số sụt giảm trong các thống kê gần đây nhất.
Điều Trung Quốc cần làm lúc này là trấn an các doanh nghiệp tư nhân, rằng chính phủ không ưu ái các công ty quốc doanh.