FDI và chuỗi giá trị toàn cầu
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 27/01/2019
Mối tương quan giữa đầu tư nước ngoài và thương mại ngày một thể hiện rõ khi có tới khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu có nguồn gốc từ doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Và trong tổng kim ngạch nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài cũng chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 58%.
Giá trị nhập khẩu ở mức cao như vậy cho thấy tính chất hai mặt của nền kinh tế Việt Nam, đó là mức độ hạn chế của giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, mối liên kết và khả năng khai thác nguồn cung trong nước.
Các chỉ số về đầu tư FDI đều cao nhưng vẫn chưa đủ sức tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu nội địa. Song, Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn dòng vốn FDI và thúc đẩy sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo Việt Nam tầm nhìn 2030 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong nước, gia tăng giá trị, nâng cao kỹ năng và đổi mới sáng tạo.
Xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, bình đẳng, Chính phủ Việt Nam đang cùng IFC (Công ty Tài chính Quốc tế) xây dựng chiến lược FDI thế hệ mới, tầm nhìn đến năm 2020-2030.
Trong đó có vấn đề quan trọng là thúc đẩy sức lan tỏa của dòng vốn FDI, nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi ích mà các FTA mang lại, từ đó doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược này cũng xem xét các chính sách, biện pháp và cải cách thể chế, xúc tiến đầu tư, các vấn đề môi trường và ảnh hưởng của cơ chế ưu đãi đầu tư.
Chiến lược thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có hai trọng tâm. Thứ nhất, chuyển từ tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có sang xây dựng môi trường đầu tư. Thứ hai, phát triển các yếu tố phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần thu hút hơn nữa.
Quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược này cần linh hoạt, điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới.
Trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam cần xác định những ưu tiên theo ngành. Theo tiêu chí thế hệ mới, Việt Nam có 30 lĩnh vực tiềm năng đại diện cho 8 khu vực của nền kinh tế, như ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, dịch vụ, nông nghệp và du lịch.
Nhưng đây không phải là những lĩnh vực duy nhất Việt Nam nên khuyến khích thu hút FDI, mà là những ngành cần chủ động định hướng xúc tiến đầu tư để thu hút FDI. Nói như vậy không có nghĩa là không hoan ngênh thu hút đầu tư vào các ngành khác, trái lại nên chào đón tất cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Một điều nữa, Việt Nam cần chuyển trọng tâm sang thu hút đầu tư FDI có giá trị cao hơn, hàm lượng tri thức cao hơn, có đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhưng vẫn không thể bỏ qua đầu tư vào các ngành lắp ráp cơ bản và đầu tư dạng BPO (Business Processing Outsourcing - dịch vụ thuê ngoài).
Thế giới đang thay đổi nhanh. Rất khó để dự báo chính xác tác động của công nghệ trong 10 năm tới hay có bao nhiêu ngành nghề mới được tạo ra. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của Fintech, công nghệ thiết bị di động, trí tuệ nhân tạo.
Tác động của những công nghệ đột phá là bằng chứng cho thấy phải thường xuyên có sự nhạy bén thị trường cũng như sự năng động để duy trì Việt Nam là điểm đến cạnh tranh về thu hút FDI, cũng như khả năng tạo lập môi trường để những ngành nghề mới có điều kiện phát triển nhanh.
(Kyle Kelhofer - Giám đốc IFC khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia/Nguyễn Hoàng ghi)