Thủ tục hải quan: Doanh nghiệp còn nhiều phàn nàn
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 28/01/2019
Tuy nhiên, báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện thì ngành này cũng còn nhiều việc phải làm.
Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh toàn cầu (Doing Bussiness 2019) của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng của chỉ số thương mại qua biên giới TAB (chỉ số về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa) của Việt Nam không thay đổi so với báo cáo năm 2018, tụt tới 6 bậc so với báo cáo năm 2017, từ bậc 94 xuống 100, xếp thứ 5 các nước ASEAN và sau Lào.
Thủ tục thông quan, thủ tục quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại là những lĩnh vực mà ngành hải quan nhận được nhiều đánh giá nhất của doanh nghiệp.
Từ thủ tục và hồ sơ
Trong khâu chuẩn bị hồ sơ và khai báo của thủ tục thông quan, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp là việc các quy định hay thay đổi. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn này là tương đối cao (51%). Tiếp đến, 20% doanh nghiệp cho biết phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, 17% cho rằng các cơ quan hải quan phối hợp chưa đồng bộ, và 15% cho rằng cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ. Các khó khăn còn lại mà doanh nghiệp gặp phải là phải nộp giấy tờ ngoài quy định (13%) và không công khai quy trình (12%), theo báo cáo của VCCI về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Tình trạng mạng hải quan lỗi, nghẽn mạng, hệ thống phần mềm hải quan trục trặc, nhất là tình trạng lỗi khi cập nhật phiên bản mới, chậm hướng dẫn cách thức xử lý cho doanh nghiệp vẫn xảy ra. Vẫn còn tình trạng một số chi cục hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải in hồ sơ (tờ khai và invoice), scan hồ sơ có chữ ký đóng dấu... Những yêu cầu này khiến quá trình thông quan bị chậm trễ, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Đến xác định trị giá hải quan
Các doanh nghiệp nêu những khó khăn cụ thể đối với việc thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định mã số HS (Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa do Tổ chức Hải quan Thế giới phát hành - Harmonized Commodity Description and Coding System) và kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
Khá nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc mã số HS nhiều khi không chi tiết theo như sản phẩm của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên việc áp mã HS gặp khó khăn. Việc xác định mã HS chưa nhất quán trong cơ quan hải quan.
Ví dụ có doanh nghiệp cho biết ngay tại một chi cục, cùng một mặt hàng, nhưng 2 cán bộ tiếp nhận khác nhau, thì hướng dẫn áp mức thuế suất khác nhau. Có mặt hàng doanh nghiệp áp mã theo hướng dẫn của cơ quan hải quan khi làm thủ tục thông quan (đối với tờ khai luồng vàng và luồng đỏ) nhưng sau đó lại bị bác bỏ bởi các cán bộ hải quan thuộc chi cục hải quan kiểm soát sau thông quan. Điều này khiến các doanh nghiệp đối mặt rủi ro bị phạt hành chính dù họ đã áp mã theo hướng dẫn của cán bộ hải quan trong thủ tục thông quan.
Một số doanh nghiệp phản ánh về tình trạng kết quả phân tích phân loại rất chậm chạp khi thông báo tới doanh nghiệp. Thời gian giám định hàng để xác định mã số HS mất khoảng từ 1 - 6 tháng, doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi, cá biệt có trường hợp cho biết sau 2 năm vẫn chưa nhận được kết quả.
Hiện đã có quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan định danh 300 hành vi được gọi trong ngành là các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, làm cơ sở cho việc phòng chống các hành vi này.
Việc xác định trị giá hải quan hiện cũng chưa thuận lợi với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết cơ quan hải quan thường yêu cầu doanh nghiệp giải trình giá khi có giá tốt so với các công ty khác cùng nhập khẩu và cơ quan hải quan luôn áp giá cao hơn, dù doanh nghiệp có đủ bằng chứng chứng minh tính chính xác của việc khai báo.
Có doanh nghiệp phản ánh, một số lần bên nhà cung cấp có giảm giá sản phẩm nhập, nhưng cán bộ hải quan không chấp nhận việc giảm giá này, và yêu cầu giá phải giống như những lần nhập hàng trước.
Và chi phí ngoài
Có thể nói, đây là vấn đề nhạy cảm nhất của ngành hải quan và cũng là nội dung mà giới doanh nghiệp xuất nhập khẩu đề cập đến nhiều nhất. Không thể phủ nhận, ngành hải quan trong suốt những năm qua không ngừng hoàn thiện các quy định nội bộ để nhằm ngăn chặn tối đa sự nhũng nhiễu, tha hóa của cán bộ. Tuy nhiên, chi phí ngoài vẫn tồn tại, đôi khi như là sự đương nhiên chấp nhận của doanh nghiệp, ít ra là để mua được sự an lòng.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chỉ số đánh giá mức độ hài lòng, đánh giá của doanh nghiệp đến sự chống phiền hà, tiêu cực. Cái mà doanh nghiệp rất quan tâm ngày nay là cái chi phí ngoài quy định”.
Ngành hải quan đã có những cải cách bên trong nội bộ ngành, đặc biệt là công tác quản trị để chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Hiện đã có quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan định danh 300 hành vi được gọi trong ngành là các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, làm cơ sở cho việc phòng chống các hành vi này.
Giảm việc kiểm tra thủ công bằng áp dụng các biện pháp máy móc kỹ thuật như trang bị hàng loạt máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát, và đặc biệt là chương trình giám sát hải quan tự động để vừa đồng thời giảm thời gian thông quan cũng như giám sát cơ quan hải quan.