Đảo ngọt

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 05/02/2019

Điều bất ngờ nhất khi đến Thanh Hóa là tôi được thăm đền thờ Mai An Tiêm dưới chân núi Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn. Ngôi đền này lưu giữ một huyền thoại được truyền từ bao đời nay.
Đảo ngọt

Ảnh: Ngô Minh

Người Việt ai cũng biết truyền thuyết Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương. Theo Nguyễn Trọng Thuật trong truyện Quả dưa đỏ, Mai Yến là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17 (Nghị Vương), được vua đặt hiệu là An Tiêm. Nhưng sau này ông bị các lạc hầu lạc tướng xúc xiểm, nên bị nhà vua khép vào tội phản nghịch và đày đi đảo xa.

Tương truyền, nhờ loài chim biển tới đảo nhả hạt mà Mai An Tiêm có được giống dưa quý. Vào vụ thu hoạch, Mai An Tiêm lấy que vạch tên mình lên vỏ quả dưa rồi thả xuống biển với hy vọng sóng sẽ đẩy chúng vào bờ để thần dân Nghị Vương có thêm một giống cây ăn quả quý, để nhà vua biết mình còn sống mà minh oan cho. Và những quả dưa đã được đất liền đón nhận, dân chúng xem như là tặng vật của trời đất.

Có lẽ không ít người Việt cũng như tôi ngỡ cái đảo Mai An Tiêm bị đày ấy phải ở đâu ngoài biển Đông xa xôi. Không ngờ đó lại chính là xứ Nga Sơn, và tôi đang đứng đây để tôi được thắp nhang vái thủy tổ nghề trồng dưa hấu nước Việt ngay trên đất liền! Như vậy Mai An Tiêm là người có công khai phá đất Nga Sơn từ buổi bình minh của đất nước. Rồi dưa hấu Mai An Tiêm trở thành sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn, trở thành vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết của các gia đình Việt Nam.

Dao-ngot-2-6492-1547702165.jpg

Nga Sơn đã khôi phục lễ hội Mai An Tiêm (diễn ra từ ngày 12 - 14/3 âm lịch hằng năm), tại đền thờ Mai An Tiêm. Trong lễ hội Mai An Tiêm, bà con tổ chức rước kiệu, dâng hương, lễ tế ở đền thờ.

Trong lễ tế bao giờ cũng có bài văn tế Mai An Tiêm được xướng lên, vừa tôn kính, vừa thiêng liêng: "Đây đảo hoang nước biển mênh mông/ Kia rừng rậm hãi hùng tiếng hổ/ Tất cả trông vào ba tháng lương ăn/ Một chiếc rìu cùn, một hòn đá lửa/ Bỗng một hôm, thấy lũ chim trời/ Đang tranh ăn một loài quả lạ/ Vỏ xanh thẫm, ruột đỏ tươi/ Đuổi chim đi, lấy hạt gieo trồng/ Kỳ trái chín ăn vào mát rượi/ Ngày ngày sức lực tăng cường/ Tháng năm khó khăn đã vợi/ Khắc tên vào quả, thả xuống biển khơi/ Tấp nập thuyền buôn ghé vào mua, đổi...".

Từ chuyện Mai An Tiêm bị đày ra đảo xa, tôi bỗng nghĩ đến truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người xuống biển, 50 lên rừng. Như vậy từ thời Âu Cơ, người Việt đã biết đến biển, dựa vào biển mà sống, mà bảo vệ lãnh thổ. Rồi chuyện Mai An Tiêm cho ta biết vua Hùng thứ 17 có lẽ là ông vua đầu tiên ở khu vực biết vương quốc của mình có những hòn đảo nơi biển khơi rộng lớn.

Vua biết có đảo mới ra lệnh đày Mai An Tiêm ra đảo. Ý thức về biển đảo của người Việt bắt đầu từ đó. Và vua Hùng sau khi biết vợ chồng Mai An Tiêm có giống quả quý, được thưởng thức lễ vật quý giá mà Mai An Tiêm dâng lên là những miếng dưa hấu đỏ ngọt, mát lành chắc vua cũng nghĩ về những hòn đảo của vương quốc mình, đó là những hòn đảo ngọt, tức những hòn đảo luôn sinh ra những của ngon vật lạ cho đời!

Hình tượng Mai Ai Tiêm chính là hình tượng một chủ đảo biết vượt qua nghịch cảnh để sinh tồn, là tấm gương để sau này những người lính Hải quân Việt Nam ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Nam Yết, Sinh Tồn... thêm vững vàng tay súng, và cũng như Mai An Tiêm, những lính đảo hôm nay, những dân đảo hôm nay vẫn vun trồng màu xanh cây trái, trong đó có dưa hấu Mai An Tiêm giữa mênh mông trời nước để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc mình.

Dưa hấu đỏ, tức dưa Mai An Tiêm không chỉ có ở Nga Sơn mà có khắp các đảo của Việt Nam. Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) bà con trồng nhiều dưa hấu và cũng gọi là dưa Mai An Tiêm. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - nơi  thời vua Gia Long, Minh Mạng có Hải đội Hoàng Sa hằng năm thay nhau ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc chủ quyền, khai thác phẩm vật - cũng cho rằng dưa hấu đảo mình là dưa Mai An Tiêm.

Dưa hấu Lý Sơn không quá to, quả lớn nhất cũng chỉ 3 - 4kg, nhưng hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng, nên rất được giá. Dưa Mai An Tiêm Lý Sơn trở thành đặc sản và cũng nổi tiếng như đặc sản tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn) ở hòn đảo này. 

Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người trồng dưa hấu ruột đỏ cũng gọi là dưa Mai Am Tiêm.

Cùng với lễ hội Mai An Tiêm được khôi phục, để phục vụ khách du lịch, bà con xã Nga Phú càng trồng nhiều dưa Mai An Tiêm trên vùng đất xưa là đảo ngọt này.

NGÔ MINH