Báu vật Sơn Trà
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 07/02/2019
Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN - NHƯ MAI |
Bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Sơn Trà có diện tích hơn 4.400ha, dài 13km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350m, nơi cao nhất là đỉnh Ốc gần 700m.
Có nhiều cứ liệu khác nhau luận giải về địa danh Sơn Trà. Có tài liệu cho rằng, từ thế kỷ XV về trước, Sơn Trà là một hòn đảo, hình thù giống như cái chà thả gần bờ dụ cá vào để bắt, nên ngư dân địa phương gọi là Sơn Chà. Có tài liệu khẳng định, có một loại cây mọc nhiều trên bán đảo này được dân gian gọi là cây sơn chà, tức chà là, loại cây gần giống như cây cau có nhiều ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tài liệu khác giải thích, có tên Sơn Trà là bởi có nhiều cây trà núi mọc um tùm trên bán đảo.
Vậy gọi Sơn Chà hay Sơn Trà đều không sai. Nhưng ngày nay, cái tên Sơn Trà đã thành địa danh hành chính chính thức. Bán đảo Sơn Trà được che phủ bởi thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh vào mùa mưa nhiệt đới. Hệ thực vật ở đây có tính đa dạng về họ, loài chi. Theo báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, các nhà nghiên cứu thống kê được 985 loài thực vật bậc cao, trong đó có 57 loài cho củ, quả làm thức ăn cho người và động vật.
Sơn Trà là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, trong đó có 22 loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ, như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu với 300-400 cá thể, lớn nhất trên thế giới trong tự nhiên, sống theo đàn từ 5 đến 10 cá thể và chủ yếu ở độ cao 100-600m.
Voọc chà vá chân nâu là loài chỉ thị môi trường và là nguồn gene quý hiếm. Chúng được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Quốc tế tôn vinh là "Nữ hoàng của các loài linh trưởng"chính nhờ vẻ đẹp khác thường.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), voọc chà vá chân nâu đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên. Đã có nhiều đàn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà bị săn bắn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, đánh giá Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng. Bán đảo này là hệ sinh thái khép kín, với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới.
Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới là thảm cỏ và san hô.
Sơn Trà là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm toàn bộ Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường rất cao.
"Nếu vùng này không được bảo vệ thì không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn tác động đến hệ san hô, hải sản ven bờ, chất lượng cát vùng biển Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà phải được nhìn nhận là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng. Mỗi ngày rừng ở đây tái tạo lượng oxy cung cấp cho hơn 4 triệu người, trong khi dân số Đà Nẵng hiện mới hơn một triệu. Nó là nguồn tài sản cần bảo vệ không chỉ hiện tại mà cho con cháu mai sau", TS. Vũ Ngọc Long chia sẻ.