Kinh tế biển - chủ đề nổi bật của năm 2019
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 11/02/2019
Ảnh minh họa |
Chỉ riêng Canada đã có 350.000 việc làm lệ thuộc vào biển và 36 tỷ USD trong tổng GDP của nước này xuất phát từ kinh tế biển. Đây là một ví dụ tiêu biểu về sự đồng hành giữa môi trường và kinh tế.
Những ngày cuối tháng 11/2018, lần đầu tiên Hội nghị về Kinh tế biển bền vững được tổ chức tại Nairobi, Kenya, nhằm bàn về các kế hoạch bảo vệ đời sống của đại dương và mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế xanh của thế giới. Hội nghị đồng thanh nhận định kinh tế biển rất quan trọng cho tương lai của con người. Đó là nguồn cung cấp chủ yếu thực phẩm, năng lượng, sức khỏe, sự vận chuyển mà hàng triệu người đang cần đến. Tuy nhiên, hằng năm có hàng ngàn tấn thiết bị đánh cá đã bị vứt bỏ trên biển, gây ra nhiều nguy cơ cho đời sống biển và cản trở hoạt động của các cảng biển trên thế giới.
Sự biến đổi của khí hậu đe dọa đời sống biển nhanh hơn so với tính toán của con người, buộc nhiều nước phải đề ra các biện pháp khác nhau để cứu vãn tình thế. Kenya thành lập Cục Bảo vệ duyên hải ở Mombasa, có trách nhiệm kiểm soát việc đánh bắt bất hợp pháp, những tranh chấp về biên giới, cũng như sự xuống cấp của hệ sinh thái biển.
Chính phủ nước này cũng đồng thời phát động chiến dịch “Eat More Fish” (Ăn cá nhiều hơn), cổ xúy việc sử dụng nhiều cá như một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Thống kê của chính quyền tại Nairobi cho thấy, số cá tiêu thụ hằng năm trên mỗi đầu người tại Kenya là 4,6kg, trong khi mức tiêu thụ trung bình của toàn châu Phi là 10kg, và của cả thế giới là 20kg.
Theo Viện Nghiên cứu và phân tích Chính sách công của Kenya (Kippra), ước lượng trị giá hằng năm của sản phẩm và dịch vụ biển ở vùng phía Tây Ấn Độ Dương khoảng trên 22 tỷ USD, trong đó Kenya chia sẻ khoảng 4,4 tỷ USD, không kể thu nhập từ du lịch khoảng 4,1 tỷ USD. Hiện Kenya có một lãnh hải rộng 230.000km2 và một bờ biển ra xa 200 hải lý kể từ bờ, là một khu vực lý tưởng cho du lịch và đánh bắt hải sản.
Ở châu Mỹ, Canada là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực kinh tế biển, có kế hoạch ngăn chặn các hình thức đánh bắt bất hợp pháp, kêu gọi việc ngưng tuôn chất thải nhựa ra biển, phục hồi trữ lượng cá và tính đa dạng sinh học của biển. Trong một tương lai gần, chính phủ nước này sẽ hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhóm đồng hành G7, tổ chức Thịnh vượng chung (Commonwealth), các đảo quốc nhỏ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn doanh nghiệp để tạo nên sự hài hòa giữa môi trường bền vững, trong đó tiêu biểu là môi trường biển, với sự tăng trưởng kinh tế ổn định qua từng thời kỳ. Với thành phần tham dự kỷ lục gồm khoảng 10.000 người đến từ 150 quốc gia trên thế giới, hội nghị quốc tế về kinh tế biển bền vững là bước khởi đầu đầy quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ biển và khai thác đúng mức tiềm năng to lớn của đại dương trong việc phục vụ đời sống của con người. Tuy nhiên khó khăn không phải là nhỏ, đòi hỏi sự hợp tác tích cực của các nước trong việc tuân thủ những quy định chung về quản lý và khai thác biển.
(Theo DoanhnhanPlus)