Thiếu Lâm Tự - đế chế kinh doanh triệu đô
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 04:00, 18/02/2019
Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa tại núi Tung Sơn tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ giữa Phật giáo và võ thuật. Là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, đây được xem là một cơ sở Phật giáo nổi tiếng nhất đối với phương Tây.
Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng Thiếu Lâm Tự còn là một đế chế kinh doanh thực thụ. Ngôi chùa được xem như "Tập đoàn Thiếu Lâm" với 5 công ty con đều mang tên Thiếu Lâm Tự là: Công ty quản lý tài sản, Công ty Hoan hỷ địa, Công ty truyền bá văn hóa, Công ty phát triển thực phẩm và Công ty Dược. 5 công ty này được coi là "5 pháp bảo kiếm tiền".
Hoạt động kinh doanh phát triển tới nỗi năm 2013, dưới sự dẫn dắt của trụ trì Thích Vĩnh Tín, Thiếu Lâm Tự đã nộp hồ sơ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên, hồ sơ của chùa đã bị từ chối do lo ngại những vấn đề liên quan tới việc thương mại hóa quá mức sẽ làm mất đi hình ảnh của chùa.
Các "Pháp bảo kiếm tiền"
Trong một bài phát biểu vào năm 2011, sư trụ trì chùa khi ấy là Thích Vĩnh Tín đã cho biết, chùa đang có khoảng hơn 40 công ty con ở nước ngoài với mục tiêu truyền bá võ thuật lấy cảm hứng từ ý tưởng đưa Phật giáo ra toàn cầu.
"Chúng tôi hiện đang điều hành hơn 40 công ty tại nhiều thành phố trên thế giới, như Berlin và London".
Sau sự bùng nổ của bộ phim Thiếu Lâm Tự vào năm 1982, ngôi làng bao quanh chùa - làng Thiếu Lâm đã thu hút rất nhiều môn sinh trên thế giới đến đây xin học võ. Nhiều người thường nói vui rằng, ngôi làng dường như đã trở thành một "lò Kungfu" đích thực.
Cùng với đó, các võ đường cũng được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các môn sinh. Ước tính, mỗi năm có tới 50 võ đường được mở cùng 50.000 môn sinh theo học võ Thiếu Lâm.
Đặc biệt, có rất nhiều "đệ tử hạng sang" ồ ạt tìm đường lên núi, sẵn sàng bỏ ra 800 USD/tháng để học quyền thuật và được trải nghiệm cuộc sống tại Thiếu Lâm Tự. Họ là tổng giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp "triệu đô", hay doanh nhân nước ngoài và chuyên gia nhiều lĩnh vực.
Chùa còn xây dựng một trường dạy võ thuật riêng - Thiếu Lâm Tự Tung Sơn đào tạo Võ sinh. Chi phí cho một năm theo học tại đây vào khoảng 7.000 đến 12.000 USD (khoảng 142 triệu đến 250 triệu đồng).
Thiếu Lâm Tự còn gửi các nhà sư đi khắp nơi trên thế giới để giảng dạy cũng như truyền bá về kungfu Thiếu Lâm và Phật Giáo. Hiện Thiếu Lâm tự đã có chi nhánh tại London (Anh), Berlin (Đức), Budapest (Hungary), Vienna (Áo)...
Thiếu Lâm Tự cũng tham gia vào hoạt động của một vài ngành công nghiệp khác. Ví dụ như điện ảnh. Hiện nay, chùa đang sở hữu một số công ty như Công ty Điện ảnh Thiếu Lâm Hà Nam, công ty Dược phẩm và bán đồ lưu niệm trực tuyến, cho phép khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đặt mua các sản phẩm của Thiếu Lâm. Sản phẩm rất đa dạng: từ đũa, trà, đến các quyển sổ "bí kíp võ công" Thiếu Lâm...
Chưa dừng lại ở đó, năm 2003, trụ trì Thích Vĩnh Tín ủy quyền cho một công ty để sáng tạo ra trò chơi điện tử mang tên "Huyền thoại Thiếu Lâm" (Shaolin Legend).
Một nguồn thu ổn định khác là vé vào cửa tham quan chùa. Du khách muốn đến thưởng ngoạn Thiếu Lâm Tự phải "móc hầu bao" mua vé vào cổng với giá 100 nhân dân tệ (khoảng 16 USD), một khoản chi phí mà không phải ai cũng có khả năng trả, nhất là dân thường.
Các khoản phí này do Công ty du lịch văn hóa Thiếu Lâm Tung Sơn, doanh nghiệp có liên kết với ban quản lý Thiếu Lâm Tự, thu và quản lý. Theo ước tính, hàng ngàn du khách đến đây mỗi ngày, nhưng lâu nay phía Công ty Tung Sơn chưa từng công bố tổng số du khách cũng như doanh thu hằng năm. Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định, khoản thu này lên đến khoảng 20 triệu USD mỗi năm.
Nhà sư CEO
Nhà sư Thích Vĩnh Tín (giữa) |
Người có công lớn xây dựng nên đế chế kinh doanh cho Thiếu Lâm tự chính là Thích Vĩnh Tín - nhà sư Trung Quốc đầu tiên có bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Khi mới lên nắm cương vị phương trượng, chứng kiến cảnh điêu tàn của Thiếu Lâm Tự, nhà sư Thích Vĩnh Tín đã chủ trương phải phát triển kinh tế, dựa vào tiềm lực kinh tế để phô trương thanh thế của Thiếu Lâm Tự. Trải qua hơn 10 năm theo đuổi con đường kinh doanh, nhà sư này đã đưa Thiếu Lâm Tự bước lên đỉnh hoàng kim, tiếng tăm lẫy lừng.
Ông khẳng định, các doanh nghiệp trực thuộc chùa không lấy lợi nhuận làm động lực mà chủ yếu muốn truyền bá văn hoá Thiếu lâm ra thế giới.
Có công lớn xây dựng nên đế chế kinh doanh Thiếu Lâm Tự khổng lồ là vậy nhưng năm 2015, nhà sư Thích Vĩnh Tín đã bị phanh phui bê bối có con ngoài giá thú và biển thủ công quỹ. Dù phía Thiếu Lâm Tự phủ nhận thông tin này nhưng kể từ đó, nhà sư Thích Vĩnh Tín ít xuất hiện trước công chúng hơn.
(theo Nhịp sống kinh tế)