Venezuela - mặt trận mới của các cường quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 06:32, 20/02/2019
Chuyển hướng mặt trận
Hồi đầu năm nay Mỹ đã bắt đầu các đợt rút quân và vận chuyển khí tài quân sự ra khỏi chiến trường Syria, sau khi lệnh rút quân được cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis ký thông qua vào ngày 31/12/2018, ngay trước khi ông rời nhiệm sở. Quyết định trên nhằm hiện thực hóa tuyên bố của Tổng thống Trump trước đó vào ngày 19/12/2018, khi ông tuyên bố sẽ rút toàn bộ 2.000 quân Mỹ ra khỏi Syria sau khi "Mỹ đã đánh bại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và giờ đây quân đội Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục ở lại quốc gia này".
Cộng đồng quốc tế đã khá bất ngờ với những quyết định rút quân của ông Trump ra khỏi những điểm nóng Trung Đông thời gian qua. Có vẻ như nước Mỹ đang dành sức cho cuộc chơi mới tại chiến trường Venezuela, quốc gia Nam Mỹ mà Hoa Kỳ luôn muốn giành lại sức ảnh hưởng vốn đã đánh mất kể từ khi ông Hugo Chavez lên cầm quyền.
Hiện tại chính quyền ông Trump đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng đối lập dưới sự dẫn dắt của Tổng thống tự phong Venezuela là ông Juan Guaido, đồng thời liên tiếp yêu cầu Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro từ chức. Chẳng những vậy, các nước phương Tây hùng mạnh khác như Anh, Pháp, Đức cũng công nhận Juan Guido như là tổng thống lâm thời của Venezuela. Gần đây, Ngân hàng trung ương Anh đã từ chối trao trả số vàng trị giá 1,2 tỷ USD cho Tổng thống Maduro, mà chỉ cam kết hoàn trả cho chính phủ hợp pháp của nước này.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, ông Guido đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ và 20 nước thuộc Liên minh châu Âu, hầu hết đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Về phía mình, Mỹ cũng đang cố gắng đưa hàng hóa, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác vào Venezuela để cứu trợ người dân nước này, trong bối cảnh tình hình kinh tế của "đại gia dầu mỏ” một thời này trở nên kiệt quệ dưới thời Maduro và nạn đói đã xuất hiện.
Cộng đồng quốc tế đã khá bất ngờ với những quyết định rút quân của ông Trump ra khỏi những điểm nóng Trung Đông thời gian qua. Có vẻ như nước Mỹ đang dành sức cho cuộc chơi mới tại chiến trường Venezuela, quốc gia Nam Mỹ mà Hoa Kỳ luôn muốn giành lại sức ảnh hưởng vốn đã đánh mất kể từ khi ông Hugo Chavez lên cầm quyền.
Tuy nhiên, quân đội dưới quyền của Tổng thống Maduro luôn tìm cách ngăn cản khi cho rằng hành động của Mỹ chỉ là viện trợ nhân đạo giả tạo để tìm cách can thiệp quân sự. Thực tế là Tổng thống Trump hôm 3/2 cũng đã tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela, trong khi phía Guaido cũng cho biết có thể chấp nhận giải pháp để Mỹ can thiệp quân sự nhằm giải quyết khủng hoảng.
Ván cờ của những nước lớn
Ở chiều ngược lại, chính quyền Maduro cũng vẫn đang nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và các nước như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Cuba. Ngoài mối quan hệ đồng minh thân cận lâu đời, thực tế là những nước như Nga và Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào nền kinh tế Venezuela, bên cạnh những gói cho vay viện trợ khổng lồ, nhằm biến nước này thành sân sau của mình ở khu vực Nam Mỹ.
Thậm chí phía Nga đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương nhằm bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Venezuela, do đó dĩ nhiên họ không muốn chính quyền Maduro bị thay thế. Theo hãng tin AP, Nga được cho là đã rót hơn 17 tỷ USD vào Venezuela dưới hình thức các khoản vay và đầu tư kể từ năm 1999. Hiện tại Venezuela đã trả phần lớn số nợ này và chỉ còn nợ Nga khoảng 3,15 tỷ USD.
Trước những đe dọa của Mỹ, Nga cũng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cố gắng tiếm quyền ở Venezuela, đồng thời cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào. Điện Kremlin cũng lên án các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Venezuela nhắm vào ngành dầu khí quan trọng của nước này là sự can thiệp bất hợp pháp vào các vấn đề của một nước thành viên OPEC.
Ngoài ra, Công ty dầu khí PDVSA của Venezuela đang yêu cầu các liên doanh gửi tiền bán dầu vào một tài khoản được mở tại Ngân hàng Nga Gazprombank, nhằm chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ về việc đóng băng tài khoản của PDVSA tại Mỹ. Một số thông tin chia sẻ khác còn cho thấy máy bay của Nga đã xuất hiện tại thủ đô Caracas của Venezuela gần đây.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cố gắng khôi phục lại ánh hào quang trước đây của Nga khi Liên Xô chưa tan rã. Một phần trong chiến lược này của ông Putin là kết bạn với các đồng minh cũ của Liên Xô tại Mỹ Latinh, trong đó Venezuela được xem là một đối tác quan trọng. Tuy nhiên, việc Nga hồi tháng 12/2018 đã triển khai máy bay ném bom đến Venezuela cùng tên lửa hành trình đã khiến Mỹ thật sự lo lắng và khó có thể chờ đợi lâu hơn nữa để giải quyết chính quyền Maduro.
Về phía Trung Quốc, dù vẫn tỏ vẻ ủng hộ Tổng thống Maduro, nhưng một nguồn tin mới đây cho biết các quan chức nước này đang liên lạc với đảng đối lập Venezuela do Tổng thống tự xưng Juan Guaidó lãnh đạo để bàn về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại nước này. Venezuela hiện nợ Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD, số tiền mà quốc gia Nam Mỹ này đã sử dụng để tài trợ cho một số dự án dầu mỏ và tái cấp vốn của chính phủ.