Xe nhỏ lên ngôi
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:29, 26/02/2019
Mẫu xe nhỏ Fadil dự kiến sẽ được VinFast ra mắt thị trường vào quý III/2019. Ảnh: T.LINH |
Tăng trưởng mạnh
Xe nhỏ giá rẻ, phù hợp với thu nhập của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam, đang được ưa chuộng tại các thành phố. Thời gian qua, các dòng xe nhỏ như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Vios... đã đem lại doanh thu không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp .
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2018, thị trường Việt Nam tiêu thụ 276.817 xe ô tô, tăng 10% so với năm 2017.
Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam năm 2018, Vios của Toyota Việt Nam đứng đầu thị trường với 27.118 xe được khách hàng lựa chọn. Như vậy, chỉ với Vios, số lượng xe được tiêu thụ của Toyota đã chiếm đến 1/10 thị trường cả nước. Mẫu xe này cũng giúp Toyota trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam, với mức tăng kỷ lục khi đạt số lượng 65.856 xe được tiêu thụ, tăng đến 11% so với năm 2017.
Dòng xe nhỏ cũng giúp Hyundai Thành Công tăng trưởng ấn tượng, dù tham gia thị trường khá lâu sau các thương hiệu khác. Năm 2018, Hyundai Grand i10 của Hyundai Thành Công được xếp vị trí thứ 2 trong 10 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam với 22.068 xe được tiêu thụ. Sức hút của dòng xe nhỏ đã giúp hãng Hyundai vươn lên vị trí thứ hai với 63.526 xe bán ra thị trường trong năm 2018.
Tương tự, mẫu xe đến từ Hàn Quốc Kia Morning cũng lọt vào top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam năm 2018 khi đạt số lượng 11.458 xe. Với đóng góp của Kia Morning, Kia đã trở thành hãng xe bán chạy thứ tư tại thị trường Việt Nam khi đạt mức tiêu thụ 28.986 xe trong năm 2018.
Thành công với dòng xe lắp ráp trong nước Vios, tháng 9/2018 Toyota Việt Nam tiếp tục chào thị trường mẫu xe nhỏ mới nhập khẩu từ Indonesia là Wigo. Với giá chỉ khoảng 345 - 405 triệu đồng (tùy phiên bản), Toyota đã đạt mục tiêu bán ra 800 xe Wigo mỗi tháng, liên tục trong 3 tháng cuối năm 2018. Thành công đó đã giúp Toyota Việt Nam tự tin với kế hoạch đẩy mạnh doanh số bán trong năm 2019 nhằm mở rộng thị phần.
Nhìn thấy tiềm năng thị trường, mới đây, Honda Việt Nam công bố sẽ đưa về Việt Nam mẫu Brio - mẫu xe nhỏ với giá bán chưa đến 400 triệu đồng. Hiện tại, các đại lý của Honda đã nhận đơn đặt hàng của khách và đến cuối quý I/2019 sẽ đưa xe về Việt Nam.
Ngay như VinFast, thương hiệu xe hơi mới nhất của Việt Nam, cũng công bố sẽ xuất xưởng và giao đến tay khách hàng mẫu xe Fadil, một trong những mẫu xe được đánh giá là có trang bị tốt nhất trong phân khúc hạng A. Xe có dung tích động cơ 1.4L, phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử, camera lùi, an toàn trên xe với 6 túi khí... Chuẩn bị cho kế hoạch cạnh tranh năm 2019, từ cuối năm 2018, VinFast đã tổ chức nhận đặt cọc mua xe của khách hàng.
Cạnh tranh khốc liệt
Không chỉ có Toyota, Hyundai Thành Công, Trường Hải, "sức nóng" của dòng xe nhỏ đã thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu khác. Ngoài Honda và Toyota, hai thương hiệu khác cũng đến từ Nhật Bản là Suzuki và Mitsubishi đã đầu tư mạnh cho phân khúc thị trường này. Theo đại diện của Suzuki, trong năm 2019 công ty sẽ có chính sách giá đặc biệt với hàng loạt mẫu xe, trong đó có mẫu xe cỡ nhỏ Celerio.
Thành công trong năm 2018, hai thương hiệu Hyundai và Kia cũng thông báo sẽ cho ra mắt diện mạo mới với nhiều tính năng mới cho hai mẫu xe Kia Morning và Hyundai Grand i10. Việc thay đổi thiết kế và trang bị thêm những tính năng mới cho dòng xe nhỏ sẽ giúp hai doanh nghiệp thuận lợi hơn trong cuộc đua giành thị phần.
Theo các doanh nghiệp, do thu nhập của người dân tăng lên trong khi xe có giá rẻ phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người nên phân khúc xe nhỏ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019. Tuy nhiên, với nhu cầu đang tăng cao cộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, thị trường xe hơi cỡ nhỏ sẽ cạnh tranh gây gắt trong thời gian tới. Để giữ thị phần, nhiều doanh nghiệp chọn cách giảm giá bán sản phẩm.
Muốn vậy, doanh nghiệp phải đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa để hưởng ưu đãi từ Chính phủ song song với việc đề xuất công ty mẹ chia sẻ để có giá thành hợp lý hơn. Theo ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, để có giá hợp lý, Hyundai Thành Công đã đề nghị các đối tác, nhà cung cấp linh kiện từ nước ngoài cùng chia sẻ.
Cùng với đó, Công ty cũng sắp xếp lại sản xuất, tối ưu hóa các hoạt động và gia tăng sản lượng. Trong thời gian tới, khi Công ty khánh thành nhà máy lắp ráp ô tô mới, tỷ lệ nội địa hóa cao hơn sẽ giúp xe Hyundai giảm giá bán nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, trong cuộc cạnh tranh này, xe lắp ráp trong nước sẽ có nhiều lợi thế khi chính sách ưu đãi thuế được thông qua. Hiện các cơ quan chức năng đã đưa đề xuất miễn phí thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho linh kiện ô tô sản xuất trong nước vào luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, dự kiến trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trong năm 2019. Khi ấy, xe lắp ráp trong nước sẽ có giá thành thấp, đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Một trong những nguyên nhân giúp thị trường ô tô năm 2019 sôi động là nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên. Theo ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam, so với các nước, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam vẫn còn rất thấp nên dư địa thị trường vẫn còn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ ô tô trên 1000 dân vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 20 xe trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 80 xe, còn tại các nước phát triển từ khoảng 200-400 xe.
Còn theo nhận định của Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2019, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước nội khối ASEAN tiếp tục hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ô tô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300-500 triệu đồng, phù hợp với phần lớn thu nhập của người Việt Nam. "Sự trỗi dậy của xe nhập khẩu sẽ khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Để duy trì thị phần, các đại lý phân phối xe có thể phải giảm giá bán", VDSC nhận định.