Ngồi chờ sung rụng

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 04/03/2019

Thành phố tôi sống, giờ trong câu chuyện cà phê buổi sáng nào của những người trên ba mươi tuổi, cũng có dăm câu về đất. Ở ngoại thành nói chuyện đất vườn. Ở trung tâm nói chuyện mua bán nhà.
Ngồi chờ sung rụng

Rồi những người Hàn Quốc, Trung Quốc khởi đầu đến thuê nhà ở để đi làm. Rồi những căn nhà giữa trung tâm được họ thuê lại để mở tiệm nail, quán cà phê, quán bánh mì Việt Nam, các dịch vụ spa, nhà hàng lớn nhỏ... Những căn nhà phố bình dị ngày nào dần thay đổi tên họ, ngoài tiếng Việt, các chủ mới còn sáng tạo những dây đèn nhấp nháy tiếng Trung, tiếng Hàn.

Những cửa tiệm cũng rao tuyển người làm thuê. Thanh niên trẻ từ các vùng khác đổ đến, hồn nhiên làm việc, giọng nói dẫu khác, nhưng cũng rất dễ thương. Mỗi sáng tôi đi thể dục ngang, thấy tiếng Hàn, tiếng Trung hết "hảo hảo" lại "good morning".

Con người như chim, di trú hết nơi này đến nơi khác, thành phố tôi đang phát triển du lịch, đang là mảnh đất lành cho dòng người di cư đến kiếm sống, kiếm tiền, làm giàu. Mỗi ngày đọc trên mạng xã hội, tôi thấy sự bất bình, sự lo lắng khi nơi này nơi khác đất đai bị người nước ngoài mua khá nhiều, người ta lo người mình sẽ thế nào, ít vốn, ít kinh nghiệm, sao có thể so đo trong cuộc.

Việc đó có các chính sách phát triển của nhà nước lo. Còn người dân, mỗi người tự thích nghi trong cái tổ nhỏ bé, trong ngôi nhà cũ cha ông để lại, trong cái thành phố mà kinh tế lúc thịnh lúc suy theo thời cuộc. Mà lạ, những người nước ngoài đến lập nghiệp nhìn trẻ măng, bốn cậu chưa cậu nào được ba mươi tuổi, dám bắt đầu từ một tiệm bánh mì nhỏ xíu ở một thành phố nhỏ xíu trên bản đồ thế giới, tôi ước tính vốn liếng họ bỏ ra thuê nhà và tiền vốn lưu động chừng nửa tỷ đồng, tức hơn 20 ngàn đô la một chút.

Vậy cứ cho mỗi cậu có năm bảy ngàn đô la mới rủ nhau ra nước ngoài làm ăn, trải nghiệm, đi theo dòng du khách Hàn tràn ngập ở đây. Thanh niên Hàn qua đây học làm bánh, làm nhân và bán bánh mì Việt cho du khách Hàn. Tóm lại bài toán lập nghiệp là vậy.

Nhưng một hôm, buổi sáng đi ngang qua những quán cà phê san sát trên phố, bỗng nghĩ tại sao người Việt mình mở nhiều quán cà phê quá vậy? Sao lại không mở khi thanh niên ngồi đầy quán cà phê mỗi ngày, từ sáng tới trưa, rồi tối thì đến lượt quán trà sữa, quán thức ăn nhanh.

Nhìn người trẻ ngồi cà phê mỗi ngày mà sốt ruột. Không biết ngành cà phê vươn cao tới đâu, nhưng nguồn lực lao động tốt nhất bao gồm thanh niên thành phố tràn đầy sức khỏe, có cơ hội qua đào tạo lại tràn ra quán cà phê ngồi giết thời gian thế này trên chiếc điện thoại.

Đáp số ở đâu cho những gì tôi thấy mỗi ngày. Phải chăng, giá đất đang lên xuống, thị trường khá sôi động. Và người địa phương đang thụ hưởng quyền lợi của chủ đất, bán đất, tích trữ đất, đầu cơ chờ giá lên kiếm lời.

Bạn tôi than thở, nhờ đất đai, trong nhà bỗng có vài tỷ, con cái học đại học rồi, nhưng không muốn đi làm thuê, đứa nào cũng thích làm chủ, mà phải chủ lớn, về lại đào tiền vốn từ cha mẹ cả tỷ đồng để mở cà phê sang, nhà hàng sang, làm năm bảy tháng, không trụ nổi, sang nhượng tống tháo, chấp nhận lỗ vài trăm triệu đồng là may mắn. Không đưa tiền cho chúng làm ông chủ, thì thanh niên sức dài vai rộng không có việc làm, lại ra quán cà phê của người khác ngồi ngày này sang ngày khác.

Một thành phố, mà những tay đầu cơ buôn đất đổ xô đến, không biết là may hay rủi khi nó cũng tạo ra hàng loạt những người trẻ ngồi chờ sung rụng!

BÍCH HỒNG