Vì đâu căng thẳng trở lại ở Kashmir?
Bình luận - Ngày đăng : 06:25, 06/03/2019
![]() |
Hành động quân sự leo thang
Một vụ đánh bom tự sát do nhóm Jaish-e-Muhammad ở Pakistan thực hiện nhắm vào một đoàn xe chở lực lượng an ninh ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 14/2 đã khiến 44 cảnh sát thiệt mạng và gần 20 người khác bị thương. Ấn Độ ngay lập tức yêu cầu "Pakistan dừng hỗ trợ các phần tử khủng bố và tháo dỡ cơ sở hạ tầng do các nhóm khủng bố sử dụng để tiến hành tấn công ở nước khác".
Ngày 18/2, một cuộc đấu súng lại diễn ra tại Kashmir khiến 4 binh sĩ Ấn Độ và một dân thường thiệt mạng. Để đáp trả, ngày 26/2 không quân Ấn Độ đã không kích vào doanh trại của các tay súng ở Pakistan và tiêu diệt một số phiến quân. Trước hành động trên, phía Pakistan đã cáo buộc các chiến đấu cơ của Ấn Độ vi phạm đường kiểm soát (LOC) - biên giới thực tế của hai nước tại khu vực tranh chấp ở Kashmir và bắt giữ một phi công khi máy bay của Ấn Độ bị bắn rơi.
Ngày 27/2, quân đội Pakistan không kích vào các mục tiêu phi quân sự tại khu vực do Ấn Độ kiểm soát dọc LOC để trả đũa. Hai bên tiếp tục đọ pháo từ khuya 28/2 đến sáng sớm ngày 1/3, theo đó quân đội Ấn Độ và Pakistan đã dùng vũ khí hạng nặng bắn lẫn nhau ở 8 địa điểm dọc đường LOC phân tách tạm thời giữa hai nước ở khu vực tranh chấp Kashmir, bên cạnh những cuộc chạm súng diễn ra ở các khu vực bao gồm Mendhar, Balakot, Krishna Ghati.
Đó là những gì đã làm bùng phát căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir trong hai tuần qua, và theo giới phân tích chính trị thì nguy cơ leo thang dẫn tới cuộc đối đầu quân sự cấp độ cao hơn giữa hai bên là rất lớn.
Không chỉ căng thẳng về quân sự, mối quan hệ giữa hai nước đã "rơi xuống vực sâu" ở nhiều lĩnh vực khác.
Sau vụ khủng bố ngày 14/2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết nước này sẽ hủy ưu đãi thuế đối với Pakistan, theo đó thuế cơ bản của tất cả hàng hóa Pakistan nhập vào Ấn Độ đã tăng lên 200%, có hiệu lực lập tức. Ấn Độ cũng sẽ bắt đầu "mọi biện pháp ngoại giao có thể” nhằm cô lập Pakistan khỏi cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng cấm bay từ 10 giờ 30 phút ở không phận phía bắc, trước khi mở cửa trở lại vào 14 giờ 30 phút ngày 27/2.
Từ khi Anh chấm dứt đô hộ và Pakistan tách khỏi Ấn Độ thành quốc gia độc lập (tháng 8/1947) thì Kashmir đã trở thành lãnh thổ tranh chấp giữa ba nước, khi Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.
Về phần mình, Pakistan thông báo đóng cửa không phận từ lúc 12 giờ 30 phút ngày 27/2, và cho biết chỉ mở lại hoàn toàn từ 13 giờ ngày 4/3. Việc hai nước đóng cửa không phận khiến các chuyến bay nối khu vực Đông Nam Á với châu Âu bị rối loạn, theo đó nhiều hãng bay có đường bay qua Pakistan buộc phải hủy chuyến hoặc tìm đường bay khác, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế.
Cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế
Được biết, từ khi Anh chấm dứt đô hộ và Pakistan tách khỏi Ấn Độ thành quốc gia độc lập (tháng 8/1947), thì Kashmir đã trở thành một lãnh thổ tranh chấp giữa ba nước khi Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Đáng lưu ý là kể từ đó đến nay, Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần giao tranh, với các cuộc chiến tranh vào năm 1947 - 1948, năm 1965, năm 1971, xung đột năm 1999.
Về phía Trung Quốc, tuy là đồng minh thân cận của Pakistan nhưng hiện nay họ đang tránh bị lôi kéo vào xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ, khi Bắc Kinh buộc ở thế phải giữ cân bằng vì có các mối liên hệ quan trọng với cả hai nước. Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng lại quan hệ với Ấn Độ và Thủ tướng Narenda Modi của nước này, nhằm tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế.
Ở chiều ngược lại, Pakistan vừa là đồng minh gần gũi vừa là đối tác thương mại lâu năm của Bắc Kinh, đồng thời cũng là một trong những nước nhập khẩu vũ khí Trung Quốc lớn nhất. Từ năm 2008 đến 2017, Islamabad bỏ ra hơn 6 tỷ USD mua vũ khí Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây đều phản đối căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai phía kiềm chế, tránh có thêm hành động quân sự, khi mà thế đối đầu có thể leo thang ngoài tầm kiểm và trở nên nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế, do cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, với việc Pakistan mới đây trả tự do cho phi công Ấn Độ được xem là động thái có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố, việc trả tự do cho phi công Ấn Độ là "cử chỉ thiện chí nhằm giảm căng thẳng đang leo thang với Ấn Độ”. Nhà lãnh đạo này cũng nhắc lại lập trường của Pakistan là giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Trước đó, ngày 19/2, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hỗ trợ hạ nhiệt căng thẳng với Ấn Độ.