Cải cách hành chính thành công cần phải có khát vọng phát triển
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 07/03/2019
Năm 2019, TP.HCM chọn chủ đề "Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội". Việc TP.HCM chọn chủ đề này cho thấy tầm quan trọng của cải cách hành chính và được xem là một trong những điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thành phố trên các lĩnh vực, xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại, tăng tính dân chủ, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt nhân dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.
TP.HCM xác định đột phá về cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Có nhiều nội dung cụ thể nhằm tạo ra đột phá cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu năm 2019 Thành phố sẽ tạo ra được bước chuyển cơ bản về cải cách thủ tục hành chính.
Với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là giới doanh nghiệp tư nhân, sự kỳ vọng về một sân chơi bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi và minh bạch là điều luôn trăn trở, bức xúc, nay đang có khả năng thành hiện thực với quyết tâm ngày càng cao của lãnh đạo thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận - huyện phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chương trình cải cách hành chính, trong đó thực hiện hiệu quả Đề án ủy quyền, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp, người dân; tăng tỷ lệ thủ tục hành chính qua mạng cấp độ 3, 4, nhất là lĩnh vực đất đai và lĩnh vực xây dựng; đạt trên 80% mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp và trên 90% tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực; phấn đấu chỉ số PAR Index năm 2019 nằm trong nhóm 7 địa phương dẫn đầu cả nước; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội...
Có thể nói những mục tiêu, con số mà người đứng đầu chính quyền thành phố đưa ra là thật sự cần thiết, là đòi hỏi căn bản đối với một nền hành chính phục vụ, kiến tạo và liêm chính. Hiệu quả này sẽ bước đầu giúp cho người dân cũng như giới doanh nghiệp yên tâm khi phải tham gia các giao dịch công và quan trọng hơn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch, năng lượng tinh thần.
Điều đó cũng góp phần giúp hạn chế việc lãng phí nguồn lực cho xã hội. Từ đó, các dòng chảy nguồn lực sẽ thực sự được tập trung, hướng về những nơi cần thiết cho các mục tiêu phát triển kinh tế.
Để đạt mục tiêu cải cách hành chính và gặt hái thành công như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi: "Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động".
Mới đây, hiến kế cho Chính phủ về định hướng chiến lược, tầm nhìn giai đoạn sắp tới của đất nước, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một khi đã coi doanh nghiệp là trung tâm thì các chính sách phải hướng đến ủng hộ người có khả năng thắng cuộc, tức là hỗ trợ doanh nghiệp thành công. Do vậy, chính sách phải tập trung giải phóng năng lực sản xuất cho mọi doanh nghiệp.
Giới chuyên gia nhất trí cao về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đã thực hiện nhiều công trình quy mô, hiện đại và tạo động lực phát triển của các tỉnh, vùng kinh tế và quốc gia.
Đánh giá cao các ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm, giàu kinh nghiệm trong khoa học và thực tiễn cuộc sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, các ý kiến không chỉ góp ý về quan điểm, tư duy phát triển, phương pháp tiếp cận, đổi mới cách làm mà còn đặt ra các trọng tâm cho sự phát triển. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, chỉ mới là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó yêu cầu đặt ra đầu tiên là phải có khát vọng phát triển.
Khát vọng muốn thành hiện thực cũng phải được xây dựng, triển khai trên cơ sở khoa học, thực tiễn, nhưng chúng ta cần cố gắng để đất nước nhanh chóng có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và của doanh nghiệp. "Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn. Để thực hiện khát vọng này cần đi liền với thể chế phát triển, bao gồm pháp luật, chính sách, bộ máy...", Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm nỗ lực cao nhất để tạo cơ chế năng động, thông thoáng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện và bền vững hơn.