Thế giới phẳng: Chuyển số và chuyển giá

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 07/03/2019

Chia sẻ trong toạ đàm "Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới" tuần qua, ông Lê Minh Hoan - Bí thư tỉnh Đồng Tháp, kể chuyện đi học một tuần tại Singapore về cách chính phủ nước này chuyển đổi sang quản trị bằng công nghệ số.
Thế giới phẳng: Chuyển số và chuyển giá

"Bữa cuối cùng, tôi nghe ông Quốc vụ khanh Singapore nói Chính phủ Singapore đã chuẩn bị chương trình số hóa cách đây 10 năm, tức là họ đã đi trước chúng ta khoảng 10 năm. Câu khẩu hiệu của họ là: Không để ai bị bỏ quên trong hành trình công nghệ số. Họ thành lập cả trung tâm công nghệ cho những người già, người buôn bán vỉa hè để biết cách cập nhật công nghệ số, tối ưu hóa cuộc sống của mình. Đó thực sự là câu chuyện khiến tôi suy nghĩ về đất nước mình, biết chúng ta đang đứng ở đâu và nên bắt đầu từ đâu".

Ở một góc nhìn khác, đại diện một công ty ngành dược bức xúc, khi nhấn mạnh rằng, đi đâu cũng cần có sức mạnh tập thể, cùng chia sẻ kinh nghiệm. Do vậy, chúng ta rất cần sớm có một hệ sinh thái doanh nghiệp. Điều đó không chỉ đòi hỏi công nghệ mà từng doanh nghiệp phải hiểu chính bản thân mình và thị trường ở những phân khúc khác nhau.

Bởi mỗi doanh nghiệp dù cùng ngành nghề nhưng lại có những phân khúc khách hàng hoàn toàn khác. Để doanh nghiệp tự tin bước ra thế giới, doanh nghiệp rất cần có đại diện để kiến nghị xuyên suốt, kịp thời, giúp Chính phủ áp dụng đúng quy luật của kinh tế thị trường. 

Cách nay 10 năm, chúng ta đã nói nhiều đến thế giới phẳng, định hướng cho tất cả doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và thế giới, nhưng thực sự đã phẳng chưa thì vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do, mừng thì rất mừng nhưng lo thì vẫn lo.

Trong một diễn biến khác, ở góc độ vĩ mô nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được trình tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một trong các hoạt động liên tục về cải cách thuế được Chính phủ cấp tập thực thi. Cải cách thuế nhận được sự chỉ đạo ráo riết chưa từng có từ trước đến nay.

Hiếm có dự luật nào được sửa với tốc độ như vậy và thời gian thông qua cũng khá là thần tốc. Càng cho thấy yêu cầu không thể chậm trễ trong cải cách thuế, tạo điều kiện hành lang thông thoáng, minh bạch và công bằng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện, Chính phủ đang gắng sức kêu gọi có nhiều hơn nữa các tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhưng vẫn chưa tìm được cách giải đúng bài toán chuyển giá. Những giao dịch chuyển giá thực hiện hành vi lách thuế, trốn thuế thường phát sinh nhiều hơn trong các giao dịch liên kết xuyên quốc gia với công ty mẹ hoặc công ty cùng một tập đoàn ở nước ngoài. Quản lý hành vi trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá là một thách thức lớn không chỉ với Việt Nam mà còn với các cơ quan tư pháp của mọi quốc gia.

Hiện tượng chuyển giá xảy ra rất thường xuyên với các tập đoàn đa quốc gia, và nếu Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư cho các tập đoàn đa quốc gia thì Chính phủ phải sớm có được cách giải quyết tối ưu cho vấn đề này.

Tuy nhiên, nên đẩy mạnh "thu tại nguồn" để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này. Nếu Việt Nam là nguồn lợi nhuận thì Việt Nam được phép thu thuế đối với toàn bộ giá trị phát sinh từ Việt Nam, đồng thời bổ sung nguyên tắc giao dịch độc lập.

Chuyển đổi số là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp Việt Nam khi hướng tới hội nhập với thế giới, cũng như giải quyết các vấn đề nội tại để tăng cường sức mạnh cạnh tranh và giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, chuyển giá lại là vấn đề hóc búa mà các nhà hoạch định vĩ mô đang đau đầu xử lý.

Cuối cùng vẫn phải là tạo ra sân chơi an toàn và bình đẳng, nói cách khác "một thế giới phẳng", cho mọi thành phần kinh tế.

CAO PHONG