Băng cassette hồi sinh hay chỉ là xu hướng hoài cổ?
Đời thường - Ngày đăng : 04:00, 11/03/2019
Băng cassette từng có thời hoàng kim |
"Cơn sốt" cassette đang tăng nhiệt
Sự phát triển như vũ bão của internert từ những năm 2000 đến nay làm cách tiếp cận âm nhạc thay đổi rất nhiều, điển hình như việc nghe nhạc online hay lưu trữ nhạc số qua dịch vụ iTunes hay Apple Music đang dần chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đĩa CD, DVD, đĩa than cũng liêu xiêu và dần biến mất thì dĩ nhiên, băng cassette - một phương tiện lưu trữ âm nhạc thông dụng từ năm 1965 cũng đâu tránh khỏi nguy cơ bỏ vào "thùng lãng quên" của lịch sử âm nhạc.
Tuy nhiên, băng catsette đang có sự trở lại nhất định ở thị trường âm nhạc Anh. Sau khi kết thúc năm 2017 với doanh thu tăng gấp đôi, thị trường băng cassette tại Anh lại khiến cho nhiều người bất ngờ.
Theo báo cáo ghi nhận, tổng số băng cassette bán ra được tại Anh năm 2017 là 22.011 băng, năm 2016 là 10.912 và 2015 là 5.801... Doanh số đã tăng 125% trong năm 2018, lên tới hơn 50.000 album cassette được mua ở Anh - số lượng cao nhất trong 15 năm qua.
Ca sĩ Ariana Grandephát hành Thank U, Next trên định dạng casette |
Trên thực tế, con số này không đáng kể so với đỉnh cao năm 1989 khi 83 triệu băng cassette được người Anh tiêu thụ. Thế nhưng khi nhiều người từ siêu sao nhạc pop Ariana Grande đến bộ đôi nhạc punk Sleaford Mods đều quay lại với băng cassette thì một sự hồi sinh dường như đang diễn ra.
Theo các phân tích từ nhiều chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất chính là giới nghệ sĩ nhận ra cassette cũng là một kênh phân phối album quan trọng không thua kém gì đĩa Vinyl.
Được biết, băng cassette bán chạy nhất năm 2018 đang là album mới Golden của Kylie Minogue với thiết kế mang tính sưu tập cao. Trong khi đó, phiên bản cassette đặc biệt của album Back in Black (AC/DC) dành cho sự kiện Record Store Day cũng lọt vào top 20 băng cassette bán chạy nhất. Vào trung tuần tháng 2 rồi, nhạc sĩ Jade Bird (Anh) công bố bản phát hành mới dưới dạng băng cassette phiên bản giới hạn.
Album Thank U, Next của Ariana Grande đứng đầu bảng xếp hạng băng đĩa (với 540 băng cassettebán ra ở tuần đầu) và Urban Outfitters đang bán 4 phiên bản máy nghe băng cho khán giả chủ yếu ở tuổi đôi mươi. Cửa hàng Richer Sounds đang bán 2 phiên bản máy nghe băng cassette khác.
Băng cassette không dễ trở lại đời sống âm nhạc
Tại sao lại có sự hồi sinh này? Đây có thể xem là một thị trường ngách trong giới âm nhạc và công nghệ. Chưa kể, nếu người dùng thích trở lại cảm giác xưa cũ thì cơn sốt cassette có thể bùng nổ hơn. DJ Phin - người vừa phát hành EP (loại đĩa nhựa hay CD có chứa nhiều bài nhạc hơn một đĩa đơn) đầu tiên trên băng cassette với tư cách là chủ nhãn hiệu Theoryof Today chia sẻ: "Tôi thấy chúng hấp dẫn hơn nhiều so với đĩa CD. Băng cassette có tuổi thọ cao và âm thanh sống động". Phin để lại phần lớn bộ sưu tập100 băng cassette ở Thổ Nhĩ Kỳ và chúng được cất giữ cẩn thận tại nhà của bố mẹ cô: "Tôi là người hoài cổ và tôi thích tiếng rít của băng cassette".
Tại cửa hàng thu âm độc lập Rough Trade, Emily Waller - Giám đốc tiếp thị, cho biết: "Tôi không rõ khách hàng có thực sự nghe băng cassette họ mua hay không. Đây vẫn là một vật kỷ niệm đẹp để bạn bỏ túi hoặc sưu tập cho người hâm mộ. Chúng ta đã thấy qua doanh số Vinyl (tăng rất cao gần đây) thì sự gia tăng nhu cầu đối với các định dạng "retro" (hoài cổ) này, đặc biệt trong giới trẻ là có thật".
Xu hướng hoài cổ thực ra không mới mẻ. Sự ưa thích "tái chế” quá khứ của nhạc pop đã trở thành một dấu ấn của văn hóa thế giới và ngành công nghiệp tiếp thị hoài cổ đã phát triển mạnh mẽ với các thương hiệu bán cho những người dưới 35 tuổi. Nhưng với xu hướng "hoài cổ" của băng cassette thì không phải ai cũng quan tâm.
Peter Robinson - người sáng lập và biên tập viên của trang âm nhạc Popjusticetin cho rằng, xu hướng hoài cổ cho băng đĩa là một mánh lới quảng cáo: "Băng cassette là định dạng nhạc tệ nhất từ trước đến nay. Tôi có thể hiểu được sự lãng mạn và hấp dẫn của sự hồi sinh của Vinyl, nhưng ngạc nhiên với bất cứ ai cố gắng khơi dậy cảm giác hoài cổ về băng cassette".
Phát trực tuyến hiện chiếm gần hai phần ba lượng tiêu thụ âm nhạc ở Anh và trong khi nhu cầu về Vinyl tăng 2.000% kể từ thời điểm thấp của định dạng năm 2007, thị phần cho băng cassette vẫn là rất nhỏ.
CHIÊU ANH (Theo Theguardian.com)