Doanh nghiệp Việt trước thách thức về chuyển đổi số
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 07:00, 12/03/2019
![]() |
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Cẩm Linh - Giám đốc Mạng ứng dụng Oracle Việt Nam với Doanh Nhân Sài Gòn mới đây.
* Làn sóng chuyển đổi công nghệ theo hướng số hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các tổ chức, DN ở nhiều quốc gia
trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo bà, tại sao chuyển đổi số trở thành vấn đề thiết yếu của DN hiện nay?
- Hiện nay, vấn đề tương tác khách hàng và những đổi mới công nghệ đang hiện hữu trong mọi mặt, trong các quy trình hoạt động của DN. Thêm vào đó, kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay đã giải phóng những tiềm năng vô hạn.
Chỉ bằng việc ứng dụng các kết nối và nền tảng kỹ thuật số, DN sẽ có thể phát triển những cách thức làm việc mới mẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiết kiệm thời gian và tối đa hóa giá trị trong mọi tương tác.
Đổi mới công nghệ càng trở nên dễ tiếp cận, con người càng có nhiều cơ hội tận dụng và hưởng lợi từ đó. Trong đó, điện toán đám mây chính là nhân tố cho phép DN ứng dụng dễ dàng hơn những công nghệ mới nổi và sở hữu tiềm năng "thay đổi cục diện", bao gồm trí tuệ nhân tạo, blockchain hay mạng lưới vạn vật kết nối internet - Internet of Things.
* Trong bối cảnh thị trường Việt Nam, DN sẽ phải đối mặt với những thách thức gì, thưa bà?
- Việt Nam là một thị trường cạnh tranh, đặc biệt là ngành thương mại điện tử và chuỗi cung ứng. Do tính chất luôn thay đổi trong nhu cầu của nhóm khách hàng thế hệ Y (millennials), cộng với sự phát triển của công nghệ, trải nghiệm khách hàng đã trở thành khía cạnh rất quan trọng đối với các DN.
Là nhóm người tiêu dùng vô cùng am hiểu công nghệ, họ sẽ kỳ vọng vào các phương thức tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và một dịch vụ khách hàng liền mạch, tốc độ cao.
Những biến động trong nền kinh tế vĩ mô, trải nghiệm khách hàng mang tính tương lai, rủi ro pháp lý, cạnh tranh khốc liệt trong ngành thương mại điện tử, quản lý dây chuyền điện tử, vấn đề bảo mật và việc theo kịp những đổi mới công nghệ... là những vấn đề mà DN sẽ phải đối mặt.
Xử lý dữ liệu là một thách thức khác mà các DN đang gặp phải. Khi các giao dịch trong ngành thương mại điện tử diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số, một lượng dữ liệu khổng lồ sẽ có thể được thu thập để phân tích, từ đó giúp xây dựng chiến lược về giá cả, tiếp thị, sản phẩm, dịch vụ...
Nhiều DN hiện vẫn đang sử dụng những hệ thống tách biệt, nhưng trong quá trình phát triển, DN sẽ gặp phải những vấn đề về khả năng mở rộng và nguồn cung thông tin thống nhất. Điều này sẽ dẫn đến những trở ngại trong thu thập, xử lý và vận dụng dữ liệu.
Ngoài ra, với những quy định chặt chẽ mới được ban hành trong việc sử dụng dữ liệu khách hàng, ngành thương mại điện tử cũng sẽ gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu người dùng.
Tuy nhiên, đi cùng với những thách thức sẽ có những cơ hội. Các tổ chức có thể sử dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (ML) để thúc đẩy trải nghiệm khách hàng, đồng thời với đổi mới công nghệ. Giao dịch di động sẽ dẫn đầu các nền tảng, mạng xã hội trở thành kênh kết nối với khách hàng của ngành ngân hàng.
* Được biết, trong sự kiện Oracle Open World 2018 vừa qua, Oracle đã công bố nhiều cải tiến mới nhất cho các công nghệ mới nổi. Làm thế nào để các DN Việt Nam có thể tận dụng các giải pháp hiện đại nhất của Oracle?
- Hiện có 4 công nghệ đáng chú ý là trợ lý ảo cho các tương tác được cá nhân hóa, công nghệ blockchain cho các ứng dụng chuỗi cung ứng, công nghệ tự động hóa cho các dịch vụ bảo mật và ứng dụng thông minh với AI tích hợp.
Trong đó, trợ lý ảo Oracle Digital Assistant cho phép các DN xây dựng những trợ lý ảo cá nhân hóa giúp nhân viên làm việc năng suất và hiệu quả hơn.
Các ứng dụng blockchain mới của Oracle tăng cường khả năng truy nguyên và minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời tích hợp khả năng theo dõi thông minh, chuỗi lạnh thông minh, theo dõi sử dụng và bảo hành.
Dịch vụ bảo mật đám mây mới sử dụng công nghệ máy học và tự động hóa thông minh giúp phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa bảo mật.
Các mô hình tương tác mới như nhận dạng giọng nói và bot trò chuyện cũng sẽ được tích hợp vào các ứng dụng để tạo nên một trải nghiệm người dùng trực quan và cá nhân hơn. Với các giải pháp ERP mới của Oracle, DN có thể tận dụng các chức năng AI tích hợp trên giải pháp điện toán đám mây.
Hiện nay, người dùng đang ngày càng tiến gần hơn tới các cấu trúc tài chính hiện đại nhất và cũng có thể có các bản cập nhật mới nhất cho các tính năng của giải pháp ERP hằng quý mà không phải trả thêm bất kỳ phí nâng cấp nào khi chuyển sang nền tảng đám mây.