Lợi ích của bố trí mặt bằng hợp lý
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 13/03/2019
Lợi ích của bố trí mặt bằng
Bố trí mặt bằng là quá trình tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian các loại máy móc, thiết bị, khu vực làm việc, các bộ phận phục vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ. Kết quả của quá trình này là việc phân bố thích hợp văn phòng, phân xưởng, những bộ phận liên quan khác để bảo đảm sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, thích ứng nhanh với thị trường.
Trong lĩnh vực sản xuất, bố trí mặt bằng hợp lý bảo đảm đủ không gian cho máy móc vận hành, giảm thiểu những công đoạn làm ảnh hưởng, gây ách tắc đến quá trình sản xuất cũng như sự di chuyển không cần thiết giữa các bộ phận, người lao động, dẫn đến tối thiểu hóa chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch và liên lạc, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động.
Đối với các hình thức dịch vụ, bố trí mặt bằng hiệu quả sẽ giúp trưng bày hàng hóa hấp dẫn và hợp lý, tạo sự riêng biệt cho từng khu vực, từ đó giảm sự đi lại và tiết kiệm thời gian của khách hàng.
Khi bố trí mặt bằng, thường tuân thủ một số nguyên tắc chung. Trước hết, phải bảo đảm sự cân đối giữa không gian hiện có và công suất hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm thiết kế của sản phẩm và dịch vụ cũng như với các công cụ và thiết bị hiện có. Mặt khác, mặt bằng phải thích ứng với môi trường sản xuất bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, an toàn cho người lao động.
Các hình thức bố trí mặt bằng
Có thể bố trí mặt bằng sản xuất theo sản phẩm, nghĩa là sắp xếp hoạt động theo một dòng liên tục những việc cần thực hiện để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể. Dòng di chuyển của sản phẩm có thể theo một đường thẳng, đường gấp khúc, có dạng chữ U, chữ L, W, M hay xương cá.
Cách bố trí mặt bằng này thường được áp dụng trong những trường hợp máy móc sử dụng thuộc dạng tự động hóa cao, công nhân thường phụ trách 2 hay nhiều máy, vật tư thì di chuyển theo băng tải hay dây chuyền. Hình thức bố trí này phù hợp với sản xuất hàng loạt, liên tục, khối lượng sản phẩm lớn, những công việc có tính chất lặp lại ổn định.
Hình thức tiếp theo là bố trí mặt bằng sản xuất theo quá trình, còn gọi là bố trí theo chức năng hoặc bố trí theo công nghệ. Đây là nhóm công việc tương tự nhau thành những bộ phận có cùng quá trình hoặc chức năng. Sản phẩm trong quá trình chế tạo di chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác theo trình tự các công đoạn, chẳng hạn các phân xưởng trong nhà máy. Bố trí theo quá trình thường được áp dụng ở siêu thị, văn phòng giao dịch ở ngân hàng, xưởng sửa chữa xe hơi, bệnh viện.
Lại có kiểu bố trí mặt bằng phù hợp với hình thức sản xuất gián đoạn, chủng loại và mẫu mã đa dạng, đơn hàng thường thay đổi. Hình thức bố trí này đòi hỏi lực lượng lao động lành nghề, cần nhiều lệnh sản xuất, nguyên vật liệu luôn di chuyển giữa các công đoạn và các phân xưởng. Do khối lượng nguyên vật liệu trong quá trình gia công lớn, trong phân xưởng cần một địa điểm rộng để dự trữ.
Một hình thức khác là bố trí mặt bằng theo vị trí cố định: người ta mang máy móc, thiết bị, công nhân và nguyên vật liệu đến để thực hiện các công việc tại chỗ. Hình thức này phù hợp với các sản phẩm rất lớn, cồng kềnh hoặc rất nặng, không thể di chuyển được như đóng tàu thủy, sản xuất máy bay, hay những công trình xây dựng, xây lắp.
Trong thực tế, nhiều công ty sử dụng các hình thức bố trí mặt bằng hỗn hợp nhằm phát huy những ưu điểm, đồng thời hạn chế nhược điểm của từng loại hình bố trí trên.
Một dạng bố trí hỗn hợp khá phổ biến là bố trí mặt bằng sản xuất dạng tế bào, theo đó thiết bị và các tổ làm việc được sắp xếp thành nhiều "cell" nhỏ (ô hay ngăn làm việc của công nhân) nối kết liền nhau để các công đoạn hay tất cả các công đoạn của một quy trình sản xuất có khả năng diễn ra trong một hay nhiều "ô" liên tục.
Một dạng khác là bố trí theo nhóm, kết hợp của bố trí theo sản phẩm và bố trí theo quá trình sản xuất. Đây là việc sắp xếp máy móc, thiết bị tập trung để sản xuất một sản phẩm hay nhóm sản phẩm có đặc tính tương tự nhau.
Ý tưởng sản xuất linh hoạt được đề xuất đầu tiên ở Anh trong thập niên 1960 với một hệ thống sản xuất có thể hoạt động 24 giờ mỗi ngày, dưới sự điều khiển của máy tính, không cần người vận hành. Nhờ vào chương trình máy tính, hệ thống có thể tự thiết kế và chế tạo nhiều loại chi tiết, bảo đảm về yêu cầu công nghệ. Hệ thống này có nhiều ưu điểm, như giảm lao động trực tiếp, giảm vốn đầu tư, rút ngắn thời gian sản xuất, kiểm soát công việc và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Đây là xu hướng mà các nhà quản trị cần quan tâm trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.