Làm mới những điểm đến cũ
Du lịch - Ngày đăng : 03:44, 27/03/2019
Giữa tháng 6/2018, du khách đã sửng sốt ngắm nhìn công trình Cầu Vàng neo trên bàn tay khổng lồ ở đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng.
Cây Cầu Vàng là công trình mới ở vườn Thiên Thai nằm ở giữa lưng chừng mây, có độ cao hơn 1.400 mét so với mặt nước biển, gồm 8 nhịp với chiều dài gần 150 mét. Đến đây, khi dạo bước trên Cầu Vàng chẳng khác nào lạc vào chốn tiên cảnh giữa biển mây và phóng tầm mắt ra xa là những cánh rừng nguyên sinh trải dài tít tắp. Xa hơn nữa là ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Cảnh tượng trước mắt dễ khiến du khách choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của không gian vô tận. Ấn tượng nhất với du khách là đôi bàn tay khổng lồ loang lổ rêu phong nâng đỡ cây cầu.
Theo TA Lanscape Architecture - đơn vị thiết kế Cầu Vàng - hình ảnh bàn tay khổng lồ tượng trưng cho đôi bàn tay của thần núi đang rút từ lòng núi đá ra một dải lụa bằng vàng - là cây cầu - để giúp con người đến được vườn thiên thai. Và du khách nội địa, du khách các nước, nhất là khách Trung Quốc, Hàn Quốc lại một lần nữa muốn được “check in” điểm đến là Cầu Vàng. Với sự xuất hiện của Cầu Vàng, lượng khách người Đà Nẵng đã tăng khá nhanh.
Với danh tiếng của Khu Du lịch Bana Hill bao gồm hai tuyến cáp treo dài nhất thế giới, khu kiến trúc Làng Pháp tuyệt đẹp, khí hậu ôn đới đã đủ là điểm đến danh tiếng của du lịch Đà Nẵng, vậy tại sao chủ đầu tư Sun Group phải bỏ ra thêm chục nghìn tỷ đồng để xây dựng Cầu Vàng? Đây chính là cách đầu tư “làm mới hoàn hảo” những điểm đến cũ. Dù lượng khách bình quân 2 triệu lượt mỗi năm, nhưng Bana Hill rồi chẳng mấy chốc trở thành quá quen thuộc với du khách vốn háo hức muốn khám phá những điểm đến mới. Đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mới tại những điểm đến cũ là tầm nhìn dài hạn để du khách quay lại, đồng thời thay đổi cơ cấu thị trường khách, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Và như dự báo, Cầu Vàng của Bana Hill nhanh chóng được giới thiệu và vinh danh trên các tạp chí du lịch Âu - Mỹ, Đông Bắc Á - một cách quảng bá vô cùng hữu hiệu cho du lịch, đồng thời buộc phải tăng chất lượng phục vụ điểm đến cũ bằng những dịch vụ mới mẻ.
Cây cầu đặc biệt này còn được một số nhà thiết kế phối hợp với các đạo diễn tên tuổi thử nghiệm những buổi trình diễn thời trang giữa những tầng mây.
Cùng tư duy như vậy, Sapa có cáp treo lên đỉnh Fasipan là hướng làm mới một điểm đến cũ. Mặc dù Sapa chưa bao giờ là cũ ngay cả đối với khách du lịch Việt Nam, tuy nhiên khai thác thêm một loại hình du lịch mới sẽ tạo động lực cho du khách đến tham quan đông hơn. Và rõ ràng dù giá vé cáp treo ngày càng tăng, lên đến 700 nghìn đồng/người, nhưng rất nhiều du khách đã không thể bỏ qua một dịp “lên núi “selfie” ở một điểm đến được gọi là nóc nhà Đông Dương.
Tại vịnh Hạ Long, dạo chơi xem phong cảnh thiên nhiên kỳ thú trên biển rất tuyệt vời, và hầu như ai cũng mong muốn một lần được đến đây du lịch. Làm mới điểm đến của các nhà đầu tư đối với khu du lịch rất nổi tiếng này không phải ở việc khách sạn mọc lên san sát ngay trong vùng di sản như đã thấy, mà ở hạ thủy những con tàu 5 sao như trong năm 2018 để giúp du khách có một tour tham quan vịnh ở mức độ sang trọng nhất, với những căn phòng 130 mét vuông, có thể tận hưởng cảnh quan kiến trúc vịnh Hạ Long ngay trong phòng ngủ. Cùng ở nơi này, hoạt động của các đội thủy phi cơ đã giúp du khách có cái nhìn mới về vịnh Hạ Long từ trên cao, rất giống một cảnh tượng hùng vĩ của bộ phim “Kong - Đảo đầu lâu” đã quay năm 2017. Rõ ràng hai loại dịch vụ này dành cho những người đã từng đến Hạ Long nhiều lần cần có thêm khám phá mới ở điểm đến cũ.
Phải chấp nhận một hiện tượng: du lịch giống như một đợt sóng, đến đỉnh cao rồi sẽ xuống thấp. Khi lượng khách thấp dần thì phải đầu tư sản phẩm mới để tăng lượng du khách. Pattaya của Thái Lan là một cái tên sáng chói, sau nhiều năm, hiện nay thành phố ven biển này đã mất độ hấp dẫn, nhiều khách sạn ven biển chưa hoàn thiện đã bị bỏ mặc, hàng loạt chủ nhà hàng bán tống bán tháo tài sản và thăm dò chuyển sang Việt Nam kinh doanh. Đó là vì các công ty lữ hành Nga đã thấy Pattaya “nhàm chán” trong cách làm, trong quảng cáo nên họ chủ động tìm những hành trình mới để đưa khách đến. Và người Nga đến Nha Trang là vì vậy.
Sau khi xây dựng khu Làng Pháp trên đỉnh núi Bà Nà, với hai tuyến cáp treo đưa khách qua những khoảng rừng tuyệt đẹp, chủ đầu tư thấy được bài học của những vùng đất khác, nên việc tiếp tục đầu tư xây dựng những công trình có vẻ đẹp kiến trúc như Cầu Vàng là phải tiếp tục.
Chúng tôi chỉ bàn về tái đầu tư cho du lịch, còn các vấn đề về đầu tư bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, chia sẻ quyền lợi với người dân bản địa là chuyện khác, rất dài, mà không phải công trình đầu tư nào cũng đáp ứng tốt.
Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch Tập đoàn Minor (Minor đang quản lý và điều hành các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam như Anantara Muine Resort - Phan Thiết, Anantara Hoian Resort - Đà Nẵng, AVANI Quynhon Resort - Quy Nhơn và AVANI Haiphong Harbour View - Hải Phòng) khi phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam, tháng 12/2018, đã nói đại ý, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Muốn phát triển du lịch phải có nguồn nhân lực giỏi và đặc biệt phải tôn trọng môi trường.
Ông James A.Kaplan phân tích, ngoài tầm nhìn của từng tập đoàn du lịch, khách sạn lớn, phải có sự điều phối của Chính phủ với những chính sách phát triển, tạo điểm đến mới của du lịch Việt Nam. Nha Trang dần trở thành cái tên cũ. Nhưng Phú Quốc đang và sẽ rất “nóng” trên bản đồ du lịch thế giới. Và so với Đà Nẵng, Hội An, Huế không được đầu tư để tạo ra cái mới, điểm đến mới. Trong khi đó Đà Nẵng đã làm được và nổi lên như một trung tâm du lịch mới của Đông Nam Á suốt 7 năm qua.
Năm 2018, Việt Nam đã đón 15 triệu lượt khách nước ngoài, là một dấu ấn quan trọng của ngành du lịch, góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là tiền đề để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và đây là thời điểm cần đến đầu tư của các tập đoàn có tiềm lực mạnh. Những ai từng xem bộ phim Mỹ “Kong - Đảo đầu lâu” đều một lần mong có công trình tái hiện cảnh phim trên những thung lũng núi ở Quảng Bình hoặc Ninh Bình, những trò chơi chiến đấu chống quái thú cổ đại trên những đồng cỏ. Làm được như vậy thì sẽ có thêm sức nặng cho du lịch những nơi này khi việc thăm thú hang động đã trở nên phổ biến, cần thêm điểm đến phụ thú vị. Những Phong Nha - Kẻ Bàng, những chùa chiền lớn ở Ninh Bình rồi cũng trở nên quen thuộc.
Mười lăm triệu du khách các nước đến Việt Nam là một con số từng mơ vào 10 năm trước. Hãy “không ngủ quên trên chiến thắng” để tạo động lực cho 5 - 10 năm tới.