Đối phó với môi trường luôn thay đổi
Quản trị - Ngày đăng : 08:13, 28/03/2019
Môi trường hoạt động của doanh nghiệp
Doanh nghiệp không tồn tại biệt lập mà thường xuyên tác động qua lại với môi trường. Những sự thay đổi từ môi trường xung quanh có thể tạo ra cơ hội hoặc nguy cơ, đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của bản thân doanh nghiệp. Nhìn chung, môi trường có ảnh hưởng đến hoạt động của một doanh nghiệp, từ mục tiêu và chiến lược, phạm vi hoạt động, cho đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Có nhiều cách tiếp cận môi trường. Môi trường vĩ mô bao gồm những yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được, tác động gián tiếp đến tất cả doanh nghiệp. Các yếu tố trong môi trường này bao gồm quốc tế, tự nhiên, dân số, chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội. Môi trường vi mô bao gồm những yếu tố và các nhóm bên ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, thành công của doanh nghiệp. Môi trường này bao gồm các yếu tố khách hàng (hiện tại và tiềm năng), đối thủ canh tranh (lâu năm và tiềm ẩn), nhà cung cấp (vật tư, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, tài chính, nhân lực, dịch vụ), sản phẩm thay thế trực tiếp (substitutes) và gián tiếp (alternative)... Còn môi trường nội bộ là các yếu tố, hoạt động bên trong của doanh nghiệp, như nguồn nhân lực, năng lực về tài chính, sản xuất, marketing, nghiên cứu và phát triển, các mối quan hệ, văn hóa doanh nghiệp...
Nhà quản trị không những cần coi thay đổi như tín hiệu cảnh báo sớm, mà còn phải coi đó là một đối tượng quản trị mới. Đó là lý do xuất hiện một lĩnh vực mới: quản trị sự thay đổi.
Quản trị doanh nghiệp hiệu quả không chỉ đòi hỏi phải giải quyết những vần đề mang tính chất nội bộ mà quan trọng hơn là phải quản trị được các yếu tố bên ngoài. Do đó, các nhà quản trị doanh nghiệp cần dành nhiều thời gian để khảo sát, nghiên cứu và dự báo các yếu tố biến đổi của môi trường, coi đó như là công việc ưu tiên hàng đầu, được tiến hành thường xuyên. Kết quả việc nghiên cứu môi trường sẽ cung cấp cho nhà quản trị những dữ liệu quan trọng, làm cơ sở cho việc ra quyết định và thực hiện quyết định quản trị. Khi nghiên cứu môi trường, cần lưu ý đến yếu tố trong môi trường kinh doanh thay đổi sẽ tác động đến doanh nghiệp theo hai hướng khác biệt. Hướng thuận xảy ra khi môi trường tạo cơ hội tốt cho hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn khi chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ, đầu tư cho một số lĩnh vực, ngành nghề, hoặc việc giảm lãi suất ngân hàng góp phần tạo điểu kiện cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn. Hướng nghịch xuất hiện khi môi trường gây ra đe dọa và thiệt hại đối với doanh nghiệp, như yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ khiến cho chi phí tăng lên.
Quản trị sự thay đổi
Ngày nay, sự hiểu biết về một thế giới “luôn thay đổi, rủi ro và đầy thách thức” đang được chuyển thành một yêu cầu mới đối với nhà quản trị của bất cứ tổ chức nào. Có thể thấy rõ các biến động trong môi trường xã hội. Quan hệ xã hội giữa các nhà quản trị và nhân viên không còn bền chặt hoặc một chiều như trước kia, mà thường hàm ý quan hệ ngắn hạn dựa trên lợi ích hỗ tương và thuận lợi. Sự tăng dần nhân viên tri thức (knowledge employees), cùng với xu hướng sử dụng nhân lực bán thời gian, tạm thời, thuê ngoài và người làm việc tự do để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng của tổ chức đang dần phổ biến. Quá trình đào tạo nhân viên qua máy tính và giám sát điện tử ngày càng nhiều. Quản trị sự đa dạng được đặt ra như một quá trình thiết lập văn hóa tổ chức cho phép nhân viên đạt đầy đủ tiềm năng.
Môi trường tự nhiên có những thay đổi quan trọng. Sự tàn phá rừng, sự ấm lên toàn cầu, hủy hoại tầng ozone, các chất thải độc hại, ô nhiễm đất, không khí và nước đang tạo ra mối quan tâm và quan ngại của nhiều quốc gia. Vì thế, các nhà quản trị gặp thách thức trong việc sáng tạo để tạo lợi nhuận mà không làm tổn hại môi trường trong quá trình kinh doanh. Từ đó, xuất hiện các thuật ngữ mới như sinh thái học công nghiệp (industrial ecology), hiệu suất về sinh thái (eco-efficiency). Môi trường trong sạch hứa hẹn tạo ra nghề mới và lợi nhuận bền vững trong tương lai.
Môi trường công nghệ cũng thay đổi rất nhanh chóng. Chu kỳ sản xuất và vòng đời sản phẩm công nghệ ngày càng ngắn do nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, quá trình cải tiến diễn ra khẩn trương ở hầu hết các công ty lớn. Quan điểm chất lượng sản phẩm đang có sự tiến triển đáng kể. Quan điểm “sửa chữa chất lượng” trước đây, có nghĩa là tái chế, sửa chữa sản phẩm khuyết tật vào cuối quá trình sản xuất, đã được chuyển thành “kiểm tra chất lượng” thông qua kiểm soát mẫu sản phẩm đang trong quá trình sản xuất và điều chỉnh thiết bị để tránh sản phẩm dưới tiêu chuẩn. Tiếp theo là quan điểm “đưa chất lượng vào sản xuất”, theo đó mọi người tham gia quá trình sản xuất đều chịu trách nhiệm về phế phẩm, nhấn mạnh việc xác định và loại bỏ nguyên nhân dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng.
Cuộc cách mạng internet và thương mại điện tử đã bước qua thời kỳ mới với nhiều phát kiến và ứng dụng mới, thậm chí không thể tưởng tượng được cách nay một thập niên. Các tổ chức ảo (virtual or-ganization) xuất hiện do phát triển công nghệ viễn thông và công nghệ mạng máy tính. Bối cảnh đó, cùng với những thách thức của nền kinh tế toàn cầu hóa, với sự cạnh tranh nhiều hơn về nguồn lực, chất lượng và chi phí, đã dẫn đến những yêu cầu mới trong quản trị. Những thay đổi quan trọng nói trên tái định hình đáng kể thế giới hiện tại, bao gồm cả nhân tố thuận lợi lẫn bất lợi.