Bảy mươi ba năm ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2019): Đỉnh cao và sự bền vững

Thể thao - Ngày đăng : 03:54, 28/03/2019

Ngay trong khói lửa chiến tranh, đất nước chia cắt, thể thao Việt Nam (TTVN) đã có những thành tích đáng tự hào trên trường quốc tế.
Bảy mươi ba năm ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2019): Đỉnh cao và sự bền vững

Điền kinh Việt Nam lần đầu tiên soán ngôi Nữ hoàng tại SEA Games-2017

Miền Bắc là 4 huy chương vàng Ganefo (Đại hội Thể thao các nước mới trỗi dậy), miền Nam đã có những vận động viên đoạt huy chương SEAP Games (tiền thân của SEA Games ngày nay), trong đó có tấm HCV bóng đá kỳ đại hội đầu tiên, 1959), ASIAN Games và tham gia Olympic.
Đất nước thống nhất, giai đoạn hội nhập quốc tế từ năm 1989 đến nay, TTVN đã tham gia 15 kỳ SEA Games, đăng cai thành công đại hội năm 2003 và liên tục 8 kỳ trong 16 năm qua luôn trong top 3 khu vực. Tại ASIAD, từ chiếc HCV đầu tiên năm 1994 của Trần Quang Hạ, đến nay sau 9 kỳ tham dự Á vận hội, TTVN đã giành 15 HCV. Ở đấu trường Olympic, kể từ lần đầu tiên góp mặt năm 1980 ở Mos-cow với những suất vé mời, tới nay các vận động viên Việt Nam đã đi bằng “cửa chính” với số lượng không ngừng tăng. Với tấm HCV và HCB bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Rio - 2016 là kỳ thế vận hội thành công nhất của TTVN sau 64 năm, nếu tính từ Olympic 1952 tại Helsinki (Phần Lan) mà đoàn thể thao miền Nam lần đầu xuất hiện và 36 năm kể từ Moscow - 1980 - kỳ Olympic đầu tiên TTVN thống nhất chính thức trở lại. Cùng với Xuân Vinh, những Ánh Viên, Lê Quang Liêm, Nguyễn Tiến Minh, Lý Hoàng Nam... đã đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đặc biệt hai năm gần đây, bóng đá được đông đảo quần chúng hâm mộ nhất, liên tiếp gây nức lòng đối với hàng triệu người Việt. Đội tuyển U19 đồng hạng 3 châu Á 2016, đoạt vé dự World Cup U20 - 2017, rồi á quân U23 châu Á, vào bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup lần thứ hai sau tròn một thập niên và top 8 ASIAN Cup 2019.
Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận những thành tích đỉnh cao ấy vẫn mang tính đột biến, giai đoạn, chưa thực sự bền vững. Không ai dám chắc sau “thế hệ vàng” Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu..., bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục sản sinh lứa cầu thủ tài năng tương đương. Hay như ở Rio - 2016, nếu không có sự “bùng nổ” đậm dấu ấn cá nhân của Hoàng Xuân Vinh, TTVN đã lại có một kỳ Olympic trắng tay, hay nói cách khác, một mình Xuân Vinh đã “cứu” cả ngành TTVN khi tất cả những mục tiêu còn lại đều không đạt được.
Nhìn lại 73 năm, nhìn sang bạn bè, nhìn ra thế giới, “món nợ” và trách nhiệm của ngành TTVN còn rất nặng nề. Trong đó nổi lên ba  vấn đề: giáo dục thể chất và thể thao trong trường học (vốn là nền tảng của nền thể thao quốc gia) kém hiệu quả, chưa được chú trọng; thành tích thể thao đỉnh cao chưa bền vững, đặc biệt là các môn Olympic và hệ thống tổ chức; quản lý nhà nước về thể thao chậm đổi mới, chưa bắt kịp xu thế thời đại.

KIM HẢI