Doanh nghiệp gặp khó vì thanh, kiểm tra chồng chéo
Trong nước - Ngày đăng : 07:26, 02/04/2019
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp (DN), Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TS. Đinh Văn Minh, cho rằng công tác thanh, kiểm tra đang có nhiều vấn đề. Nguyên nhân chính là do chính sách đang làm khó DN. Vì thế cần nhận thức lại mục đích của thanh tra, kiểm tra để hoàn thiện cơ chế, chính sách, bịt lỗ hổng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN.
Theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, mục tiêu cuối cùng mà thanh tra, kiểm tra hướng đến là giúp DN kinh doanh thuận lợi, nếu có sai phạm thì cũng ở mức thấp nhất. Để thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, đề nghị có cơ quan điều phối vì hiện nay ngành nào cũng có cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra DN.
Kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức hằng năm từ 2005 tới nay, ghi nhận nhiều ý kiến của DN về giới công quyền, tích cực có, tiêu cực có. Nhìn vào PCI trong những năm qua thì thấy được nỗ lực hay không về cải cách hành chính (CCHC) ở các địa phương. Theo Báo cáo PCI 2018, điểm số PCI của các tỉnh - thành đạt bình quân 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, cho thấy sức lan tỏa trong nỗ lực cải cách hành chính và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Năm nay, Quảng Ninh vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu năm thứ hai liên tiếp về chỉ số PCI. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao ba tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc về PCI. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực CCHC của chính quyền các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội, TP.HCM...
Qua chỉ số PCI cho thấy nhiều sáng kiến cải cách hay, những mô hình mới hiệu quả, như trung tâm hành chính công với phương châm bốn tại chỗ: nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết và trả hồ sơ; cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập với phương châm theo sát nhà đầu tư... Cùng với đó là những mô hình như cà phê doanh nhân, ngày đầu tuần dành cho doanh nghiệp; những cuộc đối thoại cởi mở giữa doanh nhân và chính quyền.
Qua khảo sát PCI 2018, một nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh phân cấp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
Những phàn nàn của người dân và DN ở TP.HCM về CCHC đôi khi bị cho là đánh giá cảm tính, nhưng khi nhìn vào thực tế, dễ dàng thấy các chỉ số CCHC và tính cạnh tranh về môi trường kinh doanh của TP.HCM đang đứng vị trí thấp so với nhiều tỉnh - thành khác. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP.HCM đứng thứ 39/63, chỉ số CCHC (PAR-Index) đứng thứ 10/63 và chỉ số PCI đứng thứ 8/63 - không lọt vào tốp 5 tỉnh - thành, dù TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Vị trí thấp của các chỉ số này khớp với sự không hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở TP.HCM.
Đánh giá về thực trạng thanh, kiểm tra DN của TS. Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh tra và phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho thấy việc thanh, kiểm tra đang bị lạm dụng bởi một số cá nhân. Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Công Hùng cũng cho hay, trong năm 2018 vẫn còn cơ quan, đơn vị chưa xử lý triệt để những thiếu sót, vi phạm của công chức, đặc biệt là công chức làm trễ hạn hồ sơ.
Trong CCHC, thước đo kết quả thể hiện chính xác nhất là sự hài lòng của người dân và DN. Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên 80%. Trong CCHC, lãnh đạo TP.HCM xác định, có nhiều vấn đề cần thời gian, nguồn lực để khắc phục, cải thiện. Song, cũng có nhiều vấn đề về CCHC có thể cải thiện được ngay nếu cán bộ, công chức, viên chức quý trọng nhân dân một cách thực lòng, có tinh thần phục vụ nhân dân và DN hết mình.