Sẽ có “bộ lọc” để chọn nhà đầu tư FDI
Thời sự - Ngày đăng : 08:27, 02/04/2019
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng định hướng thu hút FDI mới, cụ thể thế nào, thưa ông ?
- Việt Nam đã trải qua 30 năm thu hút FDI với rất nhiều kinh nghiệm. Nước ta đang ở kỳ cuối của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Quá trình tổng kết 30 năm thu hút FDI đã khẳng định FDI là một phần hợp thành của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong quá trình xây dựng chiến lược 10 năm (2021 - 2030), FDI phải là một bộ phận khá quan trọng.
Thế nhưng Việt Nam cần có thay đổi một cách cơ bản định hướng thu hút và sử dụng FDI để FDI phát huy thật tốt hiệu quả đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trực tiếp cho chiến lược phát triển kinh tế 2021 - 2030.
Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều tận dụng các lợi thế như lao động giá rẻ, ưu đãi thuê đất, miễn giảm thuế... trong khi nước ta lại chú trọng về số lượng, lại ưu đãi đầu tư theo chiều rộng, theo địa bàn. Do đó, FDI trong 30 năm qua phần lớn ở lĩnh vực gia công, sản xuất với công nghệ cũ. Trong khu vực ASEAN, vị trí của Việt Nam liên quan nhiều đến các thuật ngữ China +1 hay Thailand +1, tức Việt Nam gần như là một điểm để chia sẻ rủi ro khi các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào các nước châu Á
Cách đầu tư ấy đến nay không còn phù hợp, khi vị thế của Việt Nam được nâng cao và nước ta đã có kinh nghiệm trong thu hút FDI. Thu hút FDI thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ thay thế những điểm yếu đó. Ví dụ, về lao động, Việt Nam không còn lợi thế lao động giá rẻ, thay vào đó là lao động qua đào tạo.
Việt Nam sẽ không tập trung vào số lượng, quy mô dự án khi thu hút FDI mà tập trung vào chất lượng. Chất lượng thể hiện qua dự án công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao. Thu hút FDI còn phải khắc phục các nhược điểm về chuỗi giá trị. Một chiếc điện thoại Samsung chưa đến 30% giá trị gia tăng tại Việt Nam, còn lại hoàn toàn là nhập khẩu. Với chính sách thu hút FDI mới, phần lớn chuỗi giá trị các sản phẩm sẽ từ Việt Nam.
* Còn về ưu đãi đối với các nhà đầu tư?
- Về ưu đãi đầu tư, chúng tôi khuyến nghị thay đổi theo chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ không phải cứ doanh nghiệp có dự án công nghệ cao là được ưu đãi đầu tư toàn bộ tổng giá trị sản xuất mà chỉ tập trung ưu đãi cho phần thực sự là công nghệ cao, còn giai đoạn sản xuất theo công nghệ thông thường vẫn không được ưu đãi. Ưu đãi cho các cấu phần R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng vậy, chỉ ưu đãi cho phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước, còn phần nhập khẩu hoặc tổng giá trị xuất khẩu không được hưởng ưu đãi.
Một mong muốn nữa, vị thế của Việt Nam hiện nay trong bảng xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh đã được nâng lên. Trong ASEAN,Việt Nam đã lọt vào top ASEAN 4 và hướng tới ASEAN 3. Như vậy, phải khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư khi họ đến châu Á, không phải được coi như địa điểm để chia sẻ rủi ro khi tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.
Chính sách thu hút FDI tới đây tiếp tục khẳng định vốn FDI vẫn là nguồn quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam sẽ đưa ra những “bộ lọc” để lựa chọn được nhà đầu tư, dự án, doanh nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của đất nước. Sau khi đề án được Bộ Chính trị bàn thảo và thông qua, chúng tôi sẽ cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật để doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả nhất, tốt nhất.
* Cảm ơn ông!