Standard&Poor’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam sau 9 năm
Quốc tế - Ngày đăng : 08:05, 07/04/2019
Ảnh minh họa |
Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Điều này có được là do những nỗ lực cải cách rõ rệt của hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ nói riêng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các bộ ngành trong những năm gần đây, với tinh thần cầu thị vì một Chính phủ kiến tạo và phục vụ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cùng với việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng thay đổi từ “ổn định” lên “tích cực” tháng 8/2018, Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định” vào tháng 5/2018.
Sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Trong Báo cáo xếp hạng tín nhiệm đã công bố, S&P đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự ổn định chính trị tiếp tục là minh chứng cho những cải cách nền tảng thể chế đáng ghi nhận.
S&P cũng tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Triển vọng “ổn định” phản ánh S&P kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà mở rộng nhanh chóng, với những cải thiện khá chuẩn mực trong thiết lập, hoạch định chính sách, củng cố việc nâng hạng tín nhiệm.
Các kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều định hướng chính sách rõ ràng, giúp cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát hiệu quả. Việc Chính phủ quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cuối năm 2018 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong những năm tiếp theo.
S&P nhận định Việt Nam tuy là quốc gia có thu nhập nằm trong nhóm trung bình thấp nhưng có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu kinh tế đa dạng. Những cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh của khu vực FDI và các ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu (điện tử, điện thoại, dệt may).