Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản
Trong nước - Ngày đăng : 09:17, 11/04/2019
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, qua 3 tháng đầu 2019 này, các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thị trường về lâu dài.
Trong quý 1/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án) giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.
TP.HCM và Trung ương đã rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện.
HoREA kiến nghị UBND TP.HCM cho công bố danh mục 124 dự án này nhằm giúp các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các Sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đồng thời giúp cho người mua nhà yên tâm.
Cũng theo kiến nghị của HoREA, UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ sớm xem xét, giải quyết với 30 dự án còn lại đang được rà soát, thanh tra.
Bên cạnh đó, thị trường bị ách tắc do một số dự án nhà ở đang thực hiện trên địa bàn liên quan đến đất công, hiện đang bị trì hoãn do các quyết định thu hồi. Theo thông tin của Sở Tài chính Tp.HCM, có khoảng 300 mặt bằng đất công trên địa bàn thành phố thuộc diện bị thu hồi Quyết định hoặc Văn bản về sử dụng đất.
Theo kiến nghị của HoREA, UBND thành phố sớm chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương thực hiện công tác rà soát, phân loại khoảng 300 mặt bằng đất công thành 3 nhóm để có phương án xử lý cụ thể.
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại này, HoREA cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch Đô thị; Luật Đầu tư.
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đóng góp ý kiến nhận định về thị trường nhà đất TP HCM hiện tại.
Theo ông, thị trường đang trong bối cảnh huy động vốn nước ngoài khá thuận lợi. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thủ tục pháp lý tại các dự án đang rất chậm nên nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên e dè.
Họ sợ rủi ro tài chính nên đang có tâm lý chờ động thái tích cực từ cơ quan nhà nước. Việc kéo dài thời gian rà soát kiểm tra, chậm triển khai tại các dự án sẽ làm mất cơ hội của các doanh nghiệp. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải trả thêm chi phí rất cao kèm với các điều kiện bổ sung khiến các hoạt động kém hiệu quả, lãnh đạo Novaland phân tích.
"Đối với Novaland, ngoài 7 dự án tại quận Phú Nhuận, chúng tôi còn 10 dự án khác được giao đất đầu tư, đến nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, khách hàng cũng đã vào ở, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho cư dân. Hiện xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự an ninh và ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp", ông Huy thông tin.
Đại diện Novaland kiến nghị, UBND TP đẩy nhanh việc xin ý kiến của Chính phủ và các Sở ngành để sớm có giải pháp cho các vướng mắc mà doanh nghiệp đã kiến nghị từ tháng 12/2018. Đồng thời, kiến nghị UBND TP sớm có văn bản chính thức về việc tạm dừng cấp quyền sử dụng đất cho 7 dự án của Novaland tại quận Phú Nhuận; xem xét và sớm phê duyệt giá thành tiền sử dụng đất của 10 dự án mà Novaland đã nộp hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất ở sở Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ thông tin về việc rà soát các dự án của Tập đoàn Novaland. Cụ thể, đây chỉ là hoạt đông thường kỳ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật. “Đến thời điểm này không có việc ngưng thực hiện bất kì dự án nào của Novaland và tại các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM vẫn cho phép người dân giao dịch bình thường”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp BĐS đối với sự phát triển của TP. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chưa khi nào thời cơ cho kinh doanh BĐS, xây dựng lớn như bây giờ ở TP. Bởi vì, cứ 5 năm dân số TP tăng 1 triệu người và lo chỗ ở cho 1 triệu người là một thị trường lớn. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người của người dân TP tăng lên, sức chi trả tăng thêm.
Để giải quyết thủ tục hồ sơ cho DN BĐS được thuận lợi hơn, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP xây dựng quy trình liên quan đến quản lý nhà nước về quá trình triển khai các hoạt động xây dựng BĐS để DN triển khai thực hiện dự án biết quy trình thực hiện cho đúng; từng sở, ngành phải có thời gian giải quyết hồ sơ cụ thể. Đối với cơ chế xử lý các dự án xây dựng BĐS trong quá trình triển khai, trong quá trình vận dụng các quy định pháp luật mà còn có ý kiến khác nhau thì phải bàn với nhau để tháo gỡ và nếu vượt thẩm quyền TP thì kiến nghị cấp Trung ương xem xét. Bên cạnh đó, sắp tới, TP nên nghiên cứu quy hoạch trong nội thành việc xây dựng như thế nào làm tiền đề cho phát triển dịch vụ.