Khởi đầu giấc mơ ra biển lớn

Sách hay - Ngày đăng : 02:02, 11/04/2019

Giữa năm 2019, làng văn nghệ Việt chứng kiến nhiều tin vui trong lĩnh vực thời trang và phim ảnh. Đó không chỉ là thắng lợi về mặt doanh thu của phim Việt trước những đối thủ ngoại nặng ký hay cơ hội kinh doanh tại thị trường mới mà còn là sự trưởng thành về tư duy, về khát khao vươn mình ra biển lớn thay vì chỉ co cụm trong phạm vi Việt Nam.
Khởi đầu giấc mơ ra biển lớn

Hai NTK Công Trí và Phương My tung hoành tại New York Fashion Week - một trong 4 tuần lễ thời trang lớn nhất và có sức ảnh hưởng trên thế giới - bằng những thiết kế đậm chất Á Đông từ cảm hứng, chất liệu cho đến đường cắt may. Nếu Công Trí chọn “đánh vào tâm lý” của những kẻ sống tại trung tâm phù hoa với những buổi tiệc tùng bằng những chiếc váy dạ hội kiểu dáng quen thuộc trong bộ sưu tập (BST) Những vì sao lấp lánh thì Phương My ghi dấu ấn với người yêu thời trang thế giới bởi hình ảnh người phụ nữ Phương Đông kín đáo, mạnh mẽ trước nhiều thách thức của cuộc sống mà vẫn xinh đẹp, quyến rũ xuyên suốt trong BST Sayonara.

Công Trí tự hào mang lụa, tơ tằm, lãnh Mỹ A đến đất Mỹ thì Phương My bằng tầm nhìn xa và chiế lược kinh doanh của một NTK thời trang cao cấp tiếp tục đặt cột mốc mới trong sự nghiệp khi đã lần lượt chinh phục 7 tuần lễ thời trang quốc tế khác trước đó mà vẫn giữ nguyên tính nhận diện thương hiệu là những đường cắt mạnh mẽ, thân váy thắt lưng ong hình lục bình hay những chiếc nơ to bản.

Cả Phương My và Công Trí đều xác nhận rõ, chuyến đến New York Fashion Week lần này không phải để làm thương hiệu mà, bằng cái nhìn thực tế và sát sườn hơn, làm thế nào có thể bán được sản phẩm của NTK “made in Vietnam” ra thế giới, được người dùng, trong đó có các ngôi sao Hollywood chọn mặc.

hai-phuong-9104-1554958743.jpg

Phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân khơi dậy ước mơ lớn cho phim Việt thương mại ra nước ngoài

Tương tự, tại địa hạt điện ảnh, Ngô Thanh Vân tiếp tục đặt bước tiến mới trong sự nghiệp của cô, cả vai trò diễn viên kiêm nhà sản xuất (NSX). Trong nhiều năm qua, Ngô Thanh Vân luôn ấp ủ giấc mơ đưa phim Việt ra thế giới để quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Sau loạt phim Cô ba Sài Gòn, Song Lang, lần này, với Hai Phượng, Ngô Thanh Vân đã thực hiện được giấc mơ đó khi ký thỏa thuận phát hành cùng Arclight và Well Go USA Entertainment - đơn vị phát hành nhiều phim châu Á ở Mỹ, trong đó có: Diệp Vấn 3Train to BusanAlong with the Gods: The Two Worlds, Burning - để chiếu Hai Phượng tại hầu hết các thành phố lớn tại Bắc Mỹ vào ngày 1/3 tới với tên gọi Furie.

Mới đây, Lật mặt: Nhà có khách của Lý Hải cũng tiếp bước phát hành tại 6 thành phố lớn của Mỹ và Úc. “Từ năm 2010 đến năm 2019, doanh thu của phim Hàn Quốc chiếu tại Mỹ đã tăng trưởng 40 lần. Tôi tin là để có được quả ngọt này, phải có những người xây những viên gạch nền tảng đầu tiên và tôi mong muốn khán giả quốc tế có một cái nhìn tích cực hơn đối với điện ảnh Việt Nam" - đạo diễn Lý Hải chia sẻ.

Để thể bước những “bước chân đầu tiên” này, dù cho là Ngô Thanh Vân hay Công Trí, Phương My thì tất cả đều đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, giới hạn của bản thân cũng như chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ hội nhập vào dòng hải lưu văn hóa - giải trí thế giới. Nghệ thuật không chỉ để ngắm nhìn. Nghệ thuật còn phản ánh, quảng bá văn hóa, khơi gợi sự tò mò về một đất nước nhỏ bé, xa xôi và cũng có thể hái ra tiền để nuôi những dự án tiếp theo.

Minh Nguyễn