Venezuela: Đạn đã lên nòng?

Quốc tế - Ngày đăng : 02:31, 11/04/2019

Với tình hình hiện nay tại Venezuela, cộng với việc Mỹ đang rút quân dần khỏi Syria, thì việc Venezuela có thể trở thành một Syria thứ 2 cũng không có gì bất ngờ, theo đó chính quyền hiện tại vẫn được Nga ủng hộ, còn phe đối lập lại được Mỹ hậu thuẫn.
Venezuela: Đạn đã lên nòng?

Hết Nga đến Trung Quốc

Ngày 22/3, hai máy bay quân sự của Nga đã đáp xuống sân bay thủ đô Caracas của Venezuela, chở theo 35 tấn hàng và gần 100 binh sĩ, với lý do bảo dưỡng trang thiết bị quân sự giữa lúc khủng hoảng chính trị đang xảy ra sâu sắc tại Venezuela. Moskva và Caracas đã ký hiệp định hợp tác quân sự từ năm 2011, Venezuela trở thành nước mua nhiều vũ khí của Nga nhất trong khu vực Mỹ Latin. Chưa dừng lại ở đó, các quan chức Venezuela mới đây cho biết Nga vẫn có thể điều thêm binh sĩ đến nước này để hợp tác kỹ thuật song phương.

Chỉ một tuần sau đó, hình ảnh một chiếc máy bay vận tải hạng nặng và lính của Trung Quốc xuất hiện tại Venezuela lại tràn ngập trên truyền hình, cùng với thông tin nhân viên quân sự Trung Quốc đã đến Caracas, mang theo 65 tấn thuốc và vật tư y tế, trang thiết bị dân dụng.

Tuy sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định với phóng viên tại một cuộc họp ngày 3/4 rằng thông tin binh lính Trung Quốc tới Venezuela là không đúng sự thật, nhưng dường như không mấy ai tin lời phủ nhận này, khi mà trước đó Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Sản xuất Quốc gia Venezuela, ông Tareck El Aissami từng chia sẻ sự xuất hiện của binh sĩ Trung Quốc phù hợp với các thỏa thuận hợp tác chiến lược trước đây đã được ký kết giữa Bắc Kinh và Caracas.

Truyền thông cũng trích lời Đại sứ Trung Quốc tại Venezuela rằng, quốc gia Mỹ Latin này là đối tác và bạn bè chiến lược không thể tách rời của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định việc đưa quân đội sang Venezuela vào thời điểm này chỉ nhằm đảm bảo việc thực hiện những hợp tác mà hai chính phủ đã ký kết trước đây, trong đó có việc bảo trì, sửa chữa những vũ khí mà Trung Quốc đã bán cho nước này. Trước đó, vào ngày 13/3, Trung Quốc ngỏ ý muốn giúp Venezuela khôi phục mạng lưới điện đang bị ngưng hoạt động.

Có nhiều lý do để Trung Quốc có thể tiếp bước Nga đưa quân dần đến Venezuela. Thứ nhất là những lợi ích gắn bó chặt chẽ với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Maduro hiện nay, từ việc bán hàng trăm triệu USD vũ khí trong những  năm gần đây cho đến các khoản cho vay và đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Nếu chính quyền Maduro sụp đổ, thật khó biết các khoản tiền của Trung Quốc cho vay sẽ đi về đâu.

Tiếp nữa là hành động đưa quân của Trung Quốc như là một thể hiện cam kết gắn bó lợi ích chặt chẽ với phía Nga, khi hai cường quốc này gần đây đã thắt chặt mối quan hệ sau khi Nga bị phương Tây cấm vận. Việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau được xem là một đối trọng đáng kể chống lại sức mạnh của phương Tây với Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc chối bỏ hành động đưa quân đến Venezuela cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi nước này đang lập lờ tỏ ra ở thế trung lập và tìm cách chơi thế cờ nước đôi để không muốn làm mất lòng phe đối lập, đề phòng trường hợp nếu phe này thắng thế thì cũng tránh khả năng mất hàng tỷ USD đầu tư vào đây.

Mỹ dường như đang mắc kẹt

Ở bên kia chiến tuyến, Mỹ lại dường như đang mắc kẹt khi cục diện ở Venezuela không đảo chiều nhanh như dự định. Washington đã rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Venezuela từ ngày 12/3, một hành động thể hiện sự đe dọa khả năng tấn công quân sự. Mới đây các quan chức Mỹ cũng cho biết giải pháp quân sự vẫn đang được Tổng thống Donald Trump cân nhắc.

Tuy nhiên, với việc hai cường quốc Nga và Trung Quốc đã điều quân đến, mọi việc có thể diễn biến phức tạp hơn khi có quá nhiều bên có lợi ích tại quốc gia dầu mỏ này. Cũng trong ngày 29/3, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ trao đổi với Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela. Phản ứng về việc Nga và Trung Quốc điều quân đội và thiết bị quân sự tới Venezuela, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ xem đó là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh khu vực.

Trong khi đó, hàng đoàn xe chở hàng cứu trợ của Mỹ tập kết ở biên giới Colombia vẫn chưa thể tiến vào lãnh thổ Venezuela do bị lực lượng quân đội ủng hộ Tổng thống Maduro ngăn cản. Theo giới quan sát, hành động của Mỹ thời gian qua dường như quá chậm khi mà các cuộc biểu tình của phe đối lập đã không thể lật đổ được Maduro, trong khi quân đội vẫn đang trung thành với tổng thống đương nhiệm. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo phe đối lập là ông Juan Guido  đang có nguy cơ bị tước quyền miễn trừ và bị truy tố với cáo buộc đã kích động bạo lực và tham gia hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Sự chia rẽ không chỉ diễn ra trong nội bộ đất nước Venezuela, mà còn giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây công nhận tổng thống tự phong Guido từ ngày 23/1 và ủng hộ phe đối lập, thì gần hai phần ba các nước trên thế giới vẫn công nhận chính phủ của Tổng thống Maduro hoặc vẫn ở thế trung lập, trong đó Nga, Trung Quốc, Cuba đi đầu khi cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.

Hình ảnh vệ tinh của Israel gần đây cho thấy một tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM mà Nga cung cấp cho Venezuela đã triển khai sẵn sàng chiến đấu gần thủ đô Caracas. Đạn có vẻ đã lên nòng, chỉ chưa biết khi nào sẽ khai hỏa tại chảo lửa Venezuela.

Khả Hân