Tăng cường tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm
Du lịch - Ngày đăng : 05:18, 11/04/2019
* Đầu năm 2019, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ trên 4.800 cá nhân, đơn vị kinh doanh tại địa bàn, nhất là kinh doanh thực phẩm. Ông có thể nói về việc triển khai kế hoạch này?
- Cục Quản lý Thị trường TP.HCM là một trong những cơ quan thực thi pháp luật trong lưu thông hàng hóa tại địa bàn. Thời gian qua, độ " nóng" của vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ giảm. Chúng tôi phải tham gia rất tích cực vào quá trình kiểm tra, xử lý an toàn thực phẩm cùng với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả..., đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường chấn chỉnh và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019 của Cục đã được Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt, sẽ kiểm tra trên 4.800 cá nhân và đơn vị kinh doanh trên địa bàn, trong đó có hơn 2.000 cá nhân và tổ chức kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch này nhằm tăng cường kiểm tra để ngăn ngừa các hành vi vi phạm, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm, đối tượng có nguy cơ có vi phạm để xử lý, đặc biệt là trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM tăng cường phối hợp với các đơn vị có chức năng, đặc biệt là Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, các đoàn kiểm tra liên ngành chống dịch cúm, dịch bệnh gia súc tại các cửa ngõ..., tăng cường tần suất kiểm tra trong tình hình dịch bệnh có biến động.
* Việc kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM hiện đang diễn biến ra sao, thưa ông?
- Có thể nói, bên cạnh việc chấp hành luật pháp nghiêm minh của các cá nhân, tổ chức kinh doanh chân chính, còn không ít đối tượng kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dù lực lượng quản lý thị trường đã xử lý không ít vụ vi phạm.
Việc kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm gây nhiều hệ lụy lớn. Trước hết là sức khỏe người dân, quyền lợi của người tiêu dùng, sâu xa hơn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Thành phố vì sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất ổn định xã hội.
* Phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi hiện đang là vấn đề rất căng thẳng ở các địa phương. Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã làm gì để chống đợt dịch này?
- Cục Quản lý thị trường TP.HCM thành lập ba đoàn liên ngành chống dịch cúm và các dịch bệnh gia súc để kịp thời ngăn chặn việc đưa động vật và sản phẩm từ động vật, đặc biệt là lợn không qua kiểm dịch vào Thành phố. Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tích cực phối hợp với các Đội Quản lý an toàn thực phẩm quận - huyện thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc hoặc không có chứng nhận kiểm dịch của các địa phương.
* Ông có thể cho biết khó khăn nhất của lực lượng quản lý thị trường trong lĩnh vực quản lý thực phẩm?
- Khó khăn là quân số ít, địa bàn rộng. Kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm là một lĩnh vực đặc thù. Khi kiểm tra phải có kho bãi nhưng hiện kho chuyên dụng không có nên với những thực phẩm tươi sống bảo quản theo tiêu chuẩn, chúng tôi phải thuê kho lạnh. Đây là khó khăn rất khó giải quyết. Chúng tôi cũng rất thiếu thốn phương tiện, như dụng cụ test nhanh tại thực địa trước khi đưa đi kiểm nghiệm. Hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm cũng còn nhiều bất cập, như thủ tục xin cấp phép và quản lý đăng ký an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo. Chúng tôi rất mong có những nghị định, thông tư, chỉ thị cụ thể về sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm và được phổ biến đến người dân, doanh nghiệp.