Xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng cho hợp tác xã
Trong nước - Ngày đăng : 06:10, 18/04/2019
"Khu vực này thoát ra khỏi tình trạng yếu kém đã kéo dài trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa đồng đều và việc chuyển đổi mô hình kiểu cũ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đang tổng kết 15 năm kinh tế tập thể kể từ khi có Luật Hợp tác xã từ năm 2002 và sửa đổi vào năm 2012 để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề pháp lý, ở góc độ khác, HTX khó phát triển vì yếu tố kinh doanh không đi theo đúng thị trường. Hiện nay, phần lớn hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, rất ít doanh nghiệp kết nối với thị trường để cung ứng dịch vụ đầu ra cho người nông dân.
Mặc dù số lượng HTX làm ăn có hiệu quả tăng nhanh, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn là 50% (3 năm trước chỉ có 10%). "Làm thế nào để gia tăng hiệu quả và đánh giá hiệu quả của HTX vẫn còn là câu hỏi", Phó thủ tướng đặt vấn đề.
Lợi ích rõ ràng của việc tham gia HTX đối với xã viên là tăng thu nhập. Bài học của 13 tỉnh Đông Nam Bộ cho thấy các mô hình HTX kiểu mới giúp xã viên giảm chi phí đầu vào 9%, giá trị đầu ra tăng 4%, trung bình toàn khu vực tăng 13% so với những người không tham gia.
Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua đã có nhiều mô hình HTX mới ra đời ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều HTX trẻ, có trình độ, khả năng quản trị cao và thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.
Nông nghiệp đang là tiên phong với những thay đổi lớn trong mô hình hợp tác xã với nhiều trường hợp thành công. Chẳng hạn như trường hợp Đồng Tháp, ông Hoan cho biết trước đây tỉnh đi theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng không thành công.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh Đồng Tháp nêu vấn đề cấp thiết phải có khuôn khổ pháp lý riêng cho HTX nông nghiệp, vì mỗi ngành nghề mỗi khác nhau. Đồng Tháp hiện có đến 80% số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tương tự, tại Việt Nam có đến hơn một nửa số lượng HTX là xã viên nông nghiệp, còn các loại hình dịch vụ khác như xây dựng, vận tải, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân,... vẫn còn rất ít.
Theo Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, điểm nghẽn lớn nhất vẫn chính là sự liên kết 4 nhà với nhau, các khúc mắc giữa việc hợp tác và sản xuất của xã viên. Dù vậy, Đồng Tháp ngày nay được xem là điển hình thành công trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, khi các xã viên cùng ngành vào cùng một hội, sinh hoạt đời thường và hỗ trợ kinh doanh cùng nhau.
Trong khi đó, ông Lê Thành, cho biết Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đã cùng với nhiều doanh nghiệp thử nghiệm mô hình tạo lập chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao định hướng thị trường, hiện thí điểm trên ngành rau củ quả và đã có những thành công, dự kiến nhân rộng ra nhiều tỉnh thành.
Điển hình là nhà máy Tanifood ở tỉnh Tây Ninh với quy mô đầu tư 90 triệu USD, hiện xuất khẩu 20 thị trường quốc tế, bắt tay dài hạn với Amazon hay Walmart. Điểm mấu chốt là có đến 200 hợp tác xã, quản lý các xã viên trồng nguyên liệu và có các trung tâm hỗ trợ nông dân.
Theo đó, các trung tâm này giúp HTX toàn bộ các khâu trong logistic từ đầu vào đến đầu ra, như giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn, bao tiêu luôn sản phẩm sau thu hoạch.