3 chiến lược tăng trưởng chủ chốt cho doanh nghiệp vừa tại Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 09:09, 23/04/2019
Nguồn nhân lực, văn hóa, công nghệ và quản lý vốn là những yếu tố then chốt, hỗ trợ cho quá trình thực hiện các chiến lược tăng trưởng dành cho doanh nghiệp vừa tại Việt Nam. |
Theo một báo cáo được thực hiện bởi công ty kiểm toán PwC dưới sự ủy thác của ngân hàng Standard Chartered, các doanh nghiệp sở hữu quy mô vừa tại Việt Nam cũng như ở các nước khác trong ASEAN cần đưa ra những chiến lược mới để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chứng kiến nhiều sự thay đổi như hiện nay.
Các chiến lược mới được đề cập đến gồm số hóa, thiết lập quan hệ hợp tác và mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài. Đồng thời, báo cáo của Standard Chartered cũng chỉ ra rằng, nguồn nhân lực, văn hóa, công nghệ và quản lý vốn là những yếu tố then chốt, hỗ trợ cho quá trình thực hiện các chiến lược mới này.
Đây là kết luận được rút ra từ quá trình khảo sát, nghiên cứu tác động của những thay đổi mang tính toàn diện như căng thẳng thương mại hay sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số đối với mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp quy mô vừa (doanh thu hàng năm đạt từ 10 triệu USD đến 500 triệu USD) trong các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng, cơ sở hạ tầng trong khu vực v.v..
Để đảm bảo gia tăng khả năng thành công trước những thách thức như năng suất lao động thấp (năng suất lao động của ASEAN thấp hơn mức trung bình toàn cầu 65%) hay việc phụ thuộc quá nhiều vào thương mại ngoại khối (thương mại ngoại khối chiếm 77% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực), các doanh nghiệp có quy mô vừa tại ASEAN cũng như Việt Nam cần áp dụng 3 chiến lược tăng trưởng chủ chốt dưới đây:
1. Vận hành thông minh
Các công nghệ mới như kết nối vạn vật quy mô công nghiệp, in 3D và phát triển hợp đồng trên nền tảng chuỗi khối blockchain có thể giúp nâng cao năng suất lao động tại nhà máy, tối đa hóa chuỗi cung ứng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi dự án.
Link bài viết
2. Chiến lược go-to-market trên nền số hóa
Các giải pháp bao gồm phân khúc vi mô (micro-segmentation), định vị vị trí địa lý (geo-targeting), thực tế ảo phức hợp (augmented reality) có thể giúp những điểm tiếp xúc trong suốt hành trình trải nghiệm của khách hàng được cá nhân hóa và nhắm đúng mục đích hơn.
3. Mở rộng hoạt động ra nước ngoài
Các giải pháp tìm kiếm, hoàn thiện nguồn cung ứng mới, đưa sản phẩm đến các phân khúc thị trường mới, và thiết lập những mối quan hệ hợp tác (như tham gia vào các chương trình hạ tầng xuyên quốc gia) đều có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng. Những chiến lược này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sở hữu quy mô vừa ở cấp độ phát triển cao, với sự hiện diện mạnh mẽ ở thị trường nội địa, mở rộng phạm vi hoạt động ra các thị trường trong khu vực để kiến tạo nên một giai đoạn tăng trưởng mới.
Quá trình triển khai các chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện những sự chuyển đổi từ bên trong – công việc yêu cầu nguồn nhân sự phù hợp, văn hóa tổ chức có chuẩn mực, hạ tầng công nghệ mạnh mẽ và khả năng quản lý vốn hiệu quả. Để cấp vốn cho hoạt động đầu tư và mở rộng phạm vi kinh doanh ra các nước khác, doanh nghiệp quy mô vừa cần hợp tác với những đối tác có chuyên môn cao trong khu vực, bao gồm cả các ngân hàng quốc tế với mạng lưới kết nối hiệu quả.
Những đối tác này có thể đóng vai trò chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, giúp doanh nghiệp quy mô vừa tìm kiếm nguồn vốn mới như thị trường vốn và trái phiếu xanh, đồng thời cung cấp các giải pháp quản lý dòng tiền và đưa ra những chiến lược quản lý rủi ro phù hợp.
Với vị thế là nơi có chi phí sản xuất thấp, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ dòng vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc và giày dép. Theo báo cáo của Standard Chartered về ASEAN, tổng giá trị gia tăng danh nghĩa của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam dự kiến có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 8%, đạt 48 tỷ USD vào năm 2022. Kết quả này sẽ yêu cầu lĩnh vực sản xuất tập trung nhiều hơn vào nguồn vốn và các phân khúc sử dụng nhiều công nghệ để nắm bắt cơ hội trong khu vực.
Ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á thuộc Standard Chartered - cho biết: "Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, và nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) dự kiến vẫn sẽ là một động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ; trong đó, lĩnh vực sản xuất có vốn FDI được dự báo đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm nay".
"Việt Nam là quốc gia cởi mở với hoạt động thương mại, và các doanh nghiệp quy mô vừa trong nước có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội này; đồng thời, tự bảo vệ mình trước những thách thức bằng cách theo đuổi các chiến lược như đầu tư vào công nghệ và tìm kiếm các thị trường mới - giúp họ đi lên trong chuỗi giá trị. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng điện tử quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng”.