Đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản
Thời sự - Ngày đăng : 07:00, 24/04/2019
Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ngày 23/4 tại TP.HCM, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Tập đoàn AEON (Nhật Bản) tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Sự kiện thu hút hơn 150 DN Việt Nam tham gia.
Ông Yasuo Nishitoghe, Tổng Giám đốc của AEON Việt Nam cho biết, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết đã ký giữa Bộ Công Thương và AEON trong thời gian tới bao gồm: Mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống; từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất của nhà cung ứng Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của AEON và riêng thị trường Nhật Bản; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.
Ông Yasuo Nishitoghe nhấn mạnh, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Công Thương, Tập đoàn sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON ở Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tại hội thảo, các chuyên gia của AEON đã tập trung giới thiệu tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình quản lý chất lượng sản phẩm trong 3 nhóm hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng. AEON khẳng định “yên tâm, tin cậy, chất lượng cao” đối với tất cả các sản phẩm mà AEON thu mua và phân phối là nguyên tắc chủ chốt mà Tập đoàn theo đuổi.
Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu phải tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất đến phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này đươc phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đối tác tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiếp đó là các tiêu chuẩn riêng của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ AEON cũng nhấn mạnh, thị trường Nhật Bản nói chung và AEON nói riêng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao nhưng giá cả phải cạnh tranh.
Chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào hệ thống AEON của Nhật Bản, ông Ngô Đức Chung, đại diện Tập đoàn Phú Bảo Group cho biết, để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía AEON, đơn vị đã đổi mới máy móc, đào tạo nâng cao nhân lực. Bên cạnh đó, việc cập nhật cải tiến phải liên tục được triển khai xuyên suốt từ lãnh đạo đến nhân viên, nhằm đưa chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, để các DN dần cải thiện năng lực kinh doanh, tạo ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn phù hợp với thị trường, phát triển vững mạnh ở nước ngoài là một quá trình dài, đòi hỏi DN phải nỗ lực lớn. Vì vậy, ngoài các tập đoàn phân phối, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ đã huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ tài chính, có giải pháp thích hợp để DN tiếp cận.
Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giới thiệu giải pháp tài chính hỗ trợ DN tham gia Đề án đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối nước ngoài do Bộ Công Thương chủ trì.
Theo đó, VPBank sẽ tài trợ các khoản vay chiết khấu Bộ chứng từ xuất khẩu theo thư tín dụng (LC), tỉ lệ chiết khấu lên tới 98% bộ chứng từ; cấp vốn tín chấp lên đến 5 tỷ cho DN mà không cần tài sản đảm bảo. Đối với DN bán hàng trong nước theo phương thức trả chậm, VPBank cấp vốn lên đến 90% giá trị hóa đơn VAT, với thời gian cho vay tối đa 4 tháng.
Cũng tại hội thảo, các DN đã được trực tiếp làm việc với các chuyên gia, bộ phận mua hàng của AEON trong 3 ngành hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng để tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai.
Đại diện AEON cũng giới thiệu về Tuần hàng Việt Nam tại AEON Nhật Bản vào tháng 6 tới. Tại sự kiện này, các DN Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với bộ phận thu mua của AEON, tham quan nông trường AEON, tham khảo các hoạt động và vận hành của Tập đoàn.
Theo Báo Điện tử Chính phủ