Đường Hồ Chí Minh với hai mốc số 0
Du lịch - Ngày đăng : 08:51, 25/04/2019
Mùa đông năm ấy có đến hai tháng mặt trời không thể ló dạng. Mưa mù giăng mắc suốt ngày đêm làm con đường mòn trở nên lầy lội, trơn trượt, sơ sẩy một chút là cả người và 30kg súng đạn, lương thực trên vai lăn xuống vực. Lính trẻ chúng tôi được động viên rằng, con đường ra trận của chúng ta hôm nay là công sức, mồ hôi và máu xương của một đơn vị nhỏ do thượng tá Võ Bẩm chỉ huy, từ tháng 5/1959 đã bí mật lần từng kilômét giữa đại ngàn heo hút, vượt qua đường 9, đường 12 do đối phương kiểm soát gắt gao để làm dấu trên thực địa cũng như chấm từng góc phương vị trên bản đồ. Với mệnh lệnh "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", họ phải tìm những nơi hiểm trở nhất, cheo leo nhất để tạo nên con đường mòn này. Cho nên gian khổ của chúng ta hôm nay không thấm gì so với gian khổ mà những cán bộ, chiến sĩ ấy phải chịu đựng.
Cột mốc đường Hồ Chí Minh tại Tân Kỳ |
Làm lính chủ lực mặt trận Trị - Thiên - Huế (mật danh B4) mấy năm, tôi được rút đi viết báo nên có cơ hội gắn bó với trăm ngã đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, từ đường mòn, đường đất hở đến đường kín cho xe cơ giới, và chúng trở thành một phần đáng nhớ nhất của đời tôi. Vậy nhưng mãi đến sau ngày 30/4/1975 khá lâu, tôi mới có điều kiện lục tìm tư liệu để biết tương đối đầy đủ con đường mà Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đánh giá "là một thành tựu về công binh lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ XX".
Bốn tháng sau khi đoàn tiền trạm của thượng tá Võ Bẩm vượt qua đường 9, ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ xây dựng tuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn, và đảm bảo hậu cần cho Đoàn Chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Đoàn 559 là mật danh, ngang cấp trung đoàn, cũng do thượng tá Võ Bẩm chỉ huy.
Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã mang vác vào B4 và B5 (Khu 5) gần 2.000 khẩu súng bộ binh kèm đạn, đưa hơn 500 cán bộ đại đội, trung đội, chủ yếu là người miền Nam tập kết theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường. Đó là thành quả đầu tiên của con đường sau này mang tên Hồ Chí Minh.
Tôi vào chiến trường khi đường mòn Trường Sơn đã mở 6 năm, đã kéo dài đến Bắc Tây Nguyên, đã hình thành một số tuyến song song với tuyền đầu tiên, và cũng đã có không ít tuyến đường ngang rẽ xuống các chiến trường ở đồng bằng suốt từ Quảng Trị đến Phan Thiết, nhưng không biết từ cuối năm 1961 đã có thêm một tuyến đường ở Tây Trường Sơn, cũng là đường mòn để gùi vác và dùng xe đạp thồ vận chuyển vũ khí và quân lương.
Biết chắc Hoa Kỳ sẽ đổ quân vào miền Nam và cuộc chiến tranh giữ nước sẽ kéo dài, ngày 9/8/1964, Bộ Chính trị quyết định mở đường cơ giới chiến lược từ huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An tới huyện Chơn Thành, tỉnh Lộc Ninh. Nếu không sớm có con đường này, bộ đội vẫn phải hành quân bộ vào chiến trường B2 (miền Đông và miền Tây Nam bộ) mất trên dưới 5 tháng để vượt qua khoảng 1.500km.
Cột mốc đường Hồ Chí Minh tại Pác Bó |
Tháng 7/2005, khu lưu niệm cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh được khánh thành tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, nhưng từ tháng 8/1964, Trung đoàn 98 công binh do thiếu tá Phan Quang Tiệp làm trung đoàn trưởng đã bổ những nhát cuốc đầu tiên mở con đường chiến lược này, bắt đầu tại dốc Con Mèo trên dãy núi Kô A Nông, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên, còn đoạn từ Lát trở vào được mở từ ngày 27/11/1972, tức đường cơ giới chiến lược Hồ Chí Minh được mở từ giữa ra hai đầu. Ngày 25/10/1965, đoàn xe tải hàng trăm chiếc đầu tiên đã đưa hàng sâu vào chiến trường qua con đường mới mở bắt đầu từ dốc Con Mèo, mở đầu giai đoạn vận tải cơ giới liên tục trên đường Hồ Chí Minh. Như vậy, KM0 ở Tân Kỳ là biểu tượng chứ không phải là nơi bắt đầu của đường xe cơ giới thời kháng chiến.
Mạng lưới đường Trường Sơn ngày một lan rộng, nên không thể giữ bí mật được lâu. Từ năm 1961, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) biết khá rõ con đường này, đã mở hai chiến dịch mang tên Hoành Sơn nhằm xóa bỏ tuyến giao liên chiến lược của "Việt cộng", và năm 1972 là chiến dịch Lam Sơn 719 tại đường 9 - Nam Lào để cắt đứt đường Hồ Chí Minh, nhưng đều thảm bại. Đường Trường Sơn bị đánh phá ác liệt nhất bằng máy bay B52, B57, pháo 175 từ Hạm đội 7, chất độc màu da cam có chứa dioxin là vào những năm 1965 - 1972. Để ngăn chặn con đường cơ giới chiến lược có tổng chiều dài 17.000km, với 5 hệ thống đường dọc và 21 trục ngang, trong đó có 3.140km đường kín cho xe chạy ban ngày, 1.400km đường ống dẫn x#ng dầu, hàng ngàn cầu, cống, ngầm nối liền các chiến trường, ngoài bom pháo, quân Mỹ còn thiết lập hàng rào điện tử McNamara, sử dụng thiết bị tầm nhiệt, thu tiếng động rải khắp Đông Tây dãy Trường Sơn để hướng dẫn máy bay ném bom, đặc biệt bắt đầu từ năm 1968, không quân Mỹ thực hiện hai chiến dịch với hy vọng làm trầm trọng hơn nữa thời tiết của rừng mưa nhiệt đới để ô tô không thể hoạt động. Đó là chiến dịch Popeye tạo mưa và chiến dịch Commando Lava tạo bùn trên các cung đường vận chuyển của đối phương. Hai chiến dịch này đều thành công nhưng không kéo dài được lâu vì quá tốn kém.
Theo tài liệu của quân đội Mỹ, từ năm 1965 đến 1972, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, ném xuống đường Hồ Chí Minh gần 4 triệu tấn bom đạn. Trong 16 năm, hệ thống hậu cần "Việt cộng" đường Trường Sơn đã chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào Nam ra Bắc, vận chuyển 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.
Và đây là con số chính thức của Binh đoàn Trường Sơn: Từ năm 1959 đến tháng 4/1975 có trên 23.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong hy sinh, hơn 32.000 người bị thương, cứ 1.000 tấn hàng đưa vào chiến trường trót lọt qua đường Trường Sơn thì có 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 ô tô và 143 tấn hàng bị phá hủy!
Tôi viết những dòng này khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa từ trần (ngày 4/4/2019) nên càng nhớ về những lần gặp ông khi ông là Tư lệnh Đoàn 559, sau đổi thành Binh đoàn Trường Sơn, ngang cấp quân khu. Nhớ ông vì ông thương cánh văn nghệ, báo chí ở chiến trường bằng tình thương rất thiết thực là lệnh cho các binh trạm bảo vệ chu đáo, cung cấp thêm khẩu phần ăn, thuốc lá, đường, sữa. Nhớ ông vì biết khi tiếp nhận vị trí Tư lệnh Đoàn 559 (ngày 1/1/1967), đại tá Đồng Sỹ Nguyên đã đi thực địa từng tuyến đường, từ đó ông thấy cách "địch đánh, ta sửa ta đi" không hiệu quả mà phải "đánh địch mà tiến, mở đường mà đi". Ông ra lệnh các sở chỉ huy binh trạm phải trú đóng không xa mặt đường quá 100 mét. Ông là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành "giăng lưới lửa trên Trường Sơn", để vừa đánh địch, vừa vận chuyển. Ông là "kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam" (đường kín dười tán rừng để xe chạy ban ngày), đề xuất xây dựng đường ống dẫn xăng dầu...
Vì thế, năm 1967 chỉ có 5 tiểu đoàn xe vận tải với 750 chiếc thì đến đầu 1975, đại tá Đồng Sỹ Nguyên nói với Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh "cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ"!
Năm 1997, khi đã 74 tuổi, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại một lần nữa "xông trận" nơi núi rừng Trường Sơn với nhiệm vụ là đặc phái viên của Chính phủ tìm hướng tuyến cho xa lộ Bắc Nam, sau này đổi tên là đường Hồ Chí Minh, từ Pác Bó tới Mũi Cà Mau, dài 3.183km.
Đường Hồ Chí Minh có km0 tại Tân Kỳ, Nghệ An, thời kỳ dựng xây đất nước, năm 2014, có thêm km0 ở Pác Bó, Cao Bằng - nơi đặt dấu mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam, khi Nguyễn Ái Quốc trở về nước, năm 1941.