Hầm sâu dưới sân thánh đường Đức Bà Paris

Du lịch - Ngày đăng : 06:10, 26/04/2019

Những trang tiểu thuyết cuốn hút, những thước phim tuyệt đẹp, những đoạn phim quảng cáo đầy cám dỗ và nhất là hàng triệu triệu tấm bưu thiếp thật đẹp đã cùng chung nhau gia tăng sự nổi tiếng và lực hấp dẫn của Vương cung thánh đường Đức bà Paris, biến ngôi thánh đường đã hoàn tất xây dựng cách nay 856 năm này trở thành địa chỉ du lịch, tham quan số một của Kinh đô Ánh sáng. Qua dòng thời gian, hàng chục, hàng trăm triệu lượt du khách đã đến đây tham quan... mà ít ai ngờ dưới chân họ là một thế giới ngầm không kém phần hấp dẫn.
Hầm sâu dưới sân thánh đường Đức Bà Paris

Sông Seine chảy ngang qua Paris mà du khách biết đến ngày nay đến một tiểu đảo thì tách làm hai nhánh, sau khi chảy qua đảo nó lại tái nhập thành một dòng. Đảo ấy là Ile de la Cité (Đảo thị trấn) và ngôi thánh đường Đức Bà Paris được xây dựng ở trung tâm đảo.  Trải qua hơn tám thế kỷ, không ngờ nó đã vừa phải kinh qua vụ hỏa hoạn lớn phá hủy toàn bộ phần mái vòm khúc gian giữa hôm 16/4/2019 qua. Rất nhiều du khách đã thăm viếng nhà thờ lớn này, từ trên tháp chuông xuống đến khúc thanh ngang, gian giữa với vô số những kỳ tác nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, yểm kính màu... Thế còn dưới lòng đất thì sao?

8Phong-tam-hoi11-5413-1556269809.jpg

Phòng tắm hơi nóng

Hãy trở ra ngoài, đi bộ về đầu khoảng sân rộng lớn phía trước nhà thờ. Tên của không gian này là Parvis de Notre Dame, tức sân Nhà thờ Đức bà. Chính tại điểm này, du khách có cái nhìn toàn cảnh đầy đủ nhất, rõ ràng nhất về tầm mức uy nghi và tráng lệ với kiến trúc Gothic của Vương cung thánh đường Đức Bà Paris. Hai tháp chuông hình chữ nhật vươn lên cao, ba cánh cổng to làm bằng gỗ dày, nặng chình chịch, những bức tượng mô tả Chúa Giê-su, Đức Bà Maria, các thánh Tông đồ thật chi tiết, sắc sảo. Nhìn lên cao, vòng theo hai tháp chuông là tượng những "gargouilles", những quái thú mình rồng có đầu và cánh như dơi. Theo truyền thuyết thì chúng có nhiệm vụ canh gác nơi thánh thiêng, còn trong thực tế chúng là những miệng thoát nước mưa, tích cực bảo vệ những tảng đá, vữa khỏi bị xói mòn theo năm tháng.

Và chỉ cần chú ý một chút là thấy ngay, sau lưng du khách là một ô tam cấp dẫn xuống một bảo tàng độc đáo là khu hầm sâu ngay dưới sân Nhà thờ Đức Bà Paris. Một thời xa xưa, nơi đó đã là chợ, là bến tàu, là tửu quán, là nhà nghỉ, là nhà kho, là lò rèn, là lò nướng bánh mì, là tiệm thuốc... và còn là nhà tắm hơi công cộng. Bước vào khu hầm này (hoàn toàn miễn phí, mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ Hai), trí tưởng tượng của khách tha hồ bay bổng, mường tượng cuộc sống hàng ngày của người xưa. Điều nhận biết trước nhất của khách có thể là: ngày xưa, người ta sống ở "mặt đất" rất sâu trong lòng đất nếu so với ngày nay, chỉ vài bước là ra đến bờ sông. Và cũng thích hưởng nhàn, khi rủng rỉnh ít tiền là rủ nhau đi tắm hơi.   

8Ham-duoiNotre-Dame-de-Paris11-1510-1556

Hầm dưới lòng đất sân Notre dame de Paris

Các phòng tắm hơi không rộng lớn lắm, mỗi phòng chỉ khoảng 175m2, từng phục vụ khách thời hậu Đế chế La Mã, hồi những năm 360 sau Công nguyên. Phòng hơi mát cũng như phòng hơi nóng đều hoạt động tốt nhờ một hệ thống đun nước sôi bằng than củi và hơi nóng truyền qua đất. Kỹ thuật này đã được phát hiện ở nền văn minh thung lũng Indus, nhiều thế kỷ trước CN cũng như bởi người Hy Lạp tại Athens từ thế kỷ IV trước CN.

Các đế chế tàn lụi, những nền văn minh mới xuất hiện, phát triển... Paris thời xưa có tên là Lutèce với một cảng sông sầm uất mà chiếc ghe nhỏ đã hóa thạch  là vết tích tồn tại đến ngày nay.

Điều đáng lạ là những vết tích cuộc sống khá trật tự và khá tiện nghi của người xưa mới chỉ được con người thời nay biết đến rất gần đây, qua những lần khai quật kéo dài từ năm 1965 đến năm 1972. Những đống gạch đá chỗ này, hõm lõm chỗ kia và những bảng chỉ dẫn cho du khách biết họ đang đứng ở đâu nếu lội ngược dòng thời gian. Đó là hầm của nhà nguyện trong nhà thương Hôtel-Dieu (Bệnh viện Thiên Chúa); là nền móng những căn nhà trên phố Neuve-Notre Dame; là nền móng nhà thương Hospice des Enfants-Trouvés; là hệ thống ống cống trút nước bẩn từ các khu phố ra sông... Khách lại hiểu thêm một thực tế ngày xưa, quanh nhà thờ thường là những nhà thương, mà thời xưa nhà thương nào cũng đều miễn phí, chữa trị bệnh cho người làm phúc, không thu tiền.

Nếu như thời thế làm thay đổi tất cả, thế giới dưới lòng đất xưa dần tàn lụi thì sổ sách lịch sử ghi lại rõ ràng, ở trên mặt đất, phần sân trước Nhà thờ Đức Bà Paris đã tăng diện tích, từ 0,45ha thành 1,52ha vào thế kỷ 19. Và trước cánh cổng chính của nhà thờ nay vẫn còn một dấu tích là bằng chứng về tầm mức quan trọng của Paris. Đó là một bảng đồng hình tròn đóng sâu vào lòng đất hồi năm 1924 với hàng chữ "Điểm số 0 phát xuất mọi con đường tỏa rộng khắp nước Pháp" (Point zéro des routes de France). Đúng vậy, chính từ chỗ này mà người Pháp tính khoảng cách giữa Thủ đô của họ với các thành phố trong lãnh thổ.

Ngoài ra, từ ngày 3/9/2006 Parvis Notre Dame có thêm tên là Place Jean-Paul 2 để tưởng nhớ cố Giáo hoàng Yoan-Phao lô đệ nhị, qua đời ngày 2/4/2005.

P. Nguyễn Dũng