Chuyển đổi số - vạn dặm từ bước khởi đầu

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 29/04/2019

Chuyển đổi số” là gì? Tại sao cần phải chuyển đổi số nếu vẫn đang sản xuất tốt, bán nhiều hàng, hiện diện khắp nơi trên thị trường? Hoặc, chuyển đổi số sẽ tốn kém rất nhiều, hiệu quả của nó là gì so với việc đầu tư cho các hạng mục khác trong doanh nghiệp? Đây là những câu hỏi khá phổ biến mà nhiều doanh nghiệp đưa ra khi nhắc đến chuyển đổi số…
Chuyển đổi số - vạn dặm từ bước khởi đầu

Cần biết rằng, đáp án cho những câu hỏi đó không thể có trong “một sớm một chiều”, cũng như hiệu quả mang lại không chỉ là những con số trên bảng kết quả tăng trưởng! Đó là lời khẳng định từ các chuyên gia 

Thực tế cho thấy, đây không chỉ là chủ đề trao đổi trong các diễn dàn kinh tế toàn cầu, mà đã thực sự trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của nhiều công ty trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngoài Tập đoàn FPT với quyết tâm và lời hiệu triệu giới công nghệ “tiên phong trong chuyển đổi số”, thì chỉ có rất ít doanh nghiệp thực sự quan tâm và bắt tay vào thực hiện tiến trình này. 

Từ “ánh sáng” của Điện Quang… 

Tại Lễ Công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2019, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang một lần nữa được vinh danh với tư cách là thương hiệu đứng đầu danh sách ngành hàng điện gia dụng –sự ghi nhận của thị trường về “thương hiệu yêu thích và sản phẩm tin dùng”. 

“Chuyển đổi số” trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… 

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Đáng nói là, với 23 năm liên tục đạt danh hiệu HVNCLC và là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành hàng, sự hiện diện của Điện Quang trên “bảng vàng” của chương trình năm nay không chỉ là sự khẳng định về vị thế Công ty trong tâm trí người tiêu dùng, mà còn khẳng định thành công bước đầu nhờ sự chuyển đổi “thức thời” của  doanh nghiệp này – tập trung đầu tư công nghệ đúng hướng và bài bản!  

Qua 47 năm phát triển, từ một công ty sản phẩm chiếu sáng thông thường, đến nay, Điện Quang đã mở rộng sản xuất kinh doanh, với danh mục giải pháp chiếu sáng tổng thể phong phú, có hàng ngàn sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện thông minh. Đáng nói là, ngoài việc ứng dụng công nghệ mới vào dây chuyền, thiết bị như khá nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, năm 2018, Điện Quang đã đưa ra thị trường bộ giải pháp công nghệ 4.0, một bước đi có thể coi là “đột phá” trong ngành hàng này. Bộ giải pháp này bao gồm: giải pháp chiếu sáng thông minh Điện Quang Apollo, giải pháp nhà thông minh DqHome, giải pháp dịch vụ HomeCare kết nối thợ điện – người dùng – nhà cung cấp, được giới chuyên gia và người tiêu dùng đánh giá cao.

Đây là một trong những thành quả hợp tác giữa Điện Quang và Tập đoàn FPT - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, hiện đang tiên phong trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Sớm đặt nền tảng hợp tác, sự song hành của hai đơn vị này còn được thể hiện qua những phần việc khác, chẳng hạn như việc FPT triển khai hệ thống quản trị nguồn lực cho Điện Quang, ứng dụng công nghệ Vạn vật kết nối internet (Internet of Things – IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) qua các phần mềm nhúng của FPT trong các sản phẩm của Điện Quang…  

Có thể thấy, sự kết hợp giữa 2 thương hiệu Quốc gia này đang và sẽ tiếp tục mang lại những sản phẩm thông minh do người Việt sản xuất phục vụ nhu cầu của người Việt. Và đó cũng chính là bước đầu của quá trình Chuyển đối số mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang rất mơ hồ khi nhắc đến cũng như tiếp cận. 

Đến câu hỏi “Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?”

Nói đến chuyển đổi số là nói đến cả một tiến trình mà thông qua đó, các doanh nghiệp, các tổ chức được “số hóa” sẽ có năng suất lao động tăng đột phá, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời cá nhân hoá cao độ trải nghiệm khách hàng. Từ đó, có được lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển vượt trội, làm nền tảng cho từng bước, từng bước cải tiến sau này… 

Cụ thể hơn, các công nghệ mới (như IoT, AI, phân tích dữ liệu lớn, blockchain - chuỗi khối…) sẽ được tích hợp trong các ứng dụng, trong từng khâu sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp để giúp họ thu hoạch được những thành quả thiết thực.

Đó là những chia sẻ thực tiễn của Tiến sĩ Phương Trầm trong cuộc đối thoại về chuyển đổi số với 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam do FPT tổ chức mới đây. Tiến sĩ Phương Trầm là cựu CIO DuPont – công ty toàn cầu với doanh thu 85 tỷ USD, hiện đang là Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT. Ông cũng chính là người đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của Dupont. Với một cách tiếp cận khác biệt, các chương trình chuyển đổi số của Dupont tạo ra hiệu quả to lớn, điển hình như: Tạo ra giá trị 1 tỷ USD lợi ích cho tập đoàn; Giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; Thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, AT&T; Đưa tên tuổi của Dupont thành một trong những câu chuyện thành công nổi trội hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới.

Chia sẻ với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, ông đề nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hãy nghĩ về nó một cách giản dị nhất – đó là “Công nghệ giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên”, và thực hiện nó bằng “công thức 312”. 

Tiến sĩ Phương Trầm phân tích: “Công thức 312 rất giản dị. Trong đó, “3” là đưa ra tầm nhìn 3 năm tới xem mục tiêu là gì. Trong đó, vai trò của CIO sẽ không chỉ đơn thuần là phụ trách về CNTT mà còn tham gia vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi đặt ra những mục tiêu khả thi, chúng ta quay trở lại hiện thực với “1”. Trong các doanh nghiệp hiện nay có nhiều môi trường CNTT cũ, “1” chính là hãy bắt đầu 1 cách thông minh. Và bắt tay vào thực hiện sẽ có “2” ý. Thứ nhất là bắt đầu từ việc đảm bảo tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng thuận tiện hơn, loại bỏ tất cả những khó khăn mà khách hàng gặp phải khi đến với doanh nghiệp. Lĩnh vực thứ 2 cần tập trung là giúp các cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp hiểu rõ họ có thể ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động như thế nào, nói cách khác là dùng công nghệ để tất cả các bộ phận nghiệp vụ loại bỏ khó khăn và phối hợp với nhau thật tốt...”

Đồng thời, ông cũng khuyên các doanh nghiệp Việt Nam không nên đặt những mục tiêu quá lớn, hãy bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ. Chẳng hạn như trả lời những câu hỏi: “Làm thế nào để ứng dụng CN vào hoạt động nghiệp vụ hoạt động hiệu quả?”, “Làm thế nào CIO có thể sử dụng công nghệ hỗ trợ các bộ phận nghiệp vụ hoạt động hiệu quả hơn”… Và như vậy sẽ dễ dàng hiện thực hóa trong vòng 1 tháng, 2 tháng… 

Cũng trong tiến trình này, các CIO cần có sự đồng thuận và hỗ trợ tối đa từ lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp, cần có sự hợp tác với các đối tác công nghệ để có được bước chuyển đổi số ngoạn mục cho doanh nghiệp. 

Song Hà