Khó thuyết phục chủ xe thực hiện thu phí tự động

Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 30/04/2019

Chính phủ đặt lộ trình hết năm 2018 tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động không dừng. Đến hết năm 2019 áp dụng cho tất cả trạm thu phí còn lại. Hạn chót phải thực hiện thu phí không dừng là 31/12/2019. Thời gian không còn nhiều vì chủ trương phải thu phí không dừng đã được đưa ra từ năm 2017, tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng 720.000 xe dán thẻ trong tổng số 3,5 triệu ôtô trên toàn quốc.
Khó thuyết phục chủ xe thực hiện thu phí tự động

Giai đoạn 2 của đề án thu phí không dừng đang được triển khai. Mới đây, tại Tọa đàm về thu phí không dừng của Bộ giao thông vận tải, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Đối tác công tư PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tốc độ triển khai việc này khá chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này nhưng chủ yếu và quan trọng nhất đó là người dân chưa hưởng ứng với phương cách thu phí bằng công nghệ hiện đại.

Sự thiếu minh bạch trong việc thu phí đường bộ đã từng dấy lên bức xúc trong dân. Thu phí bằng công nghệ hiện đại có sự giám sát của Tổng cục đường bộ được coi là một trong những giải pháp để kiểm soát, minh bạch nguồn thu từ các trạm thu phí lại chưa được xã hội hưởng ứng. Ông Huy cho rằng: "Nguyên nhân do người dân cảm thấy chưa thuận tiện. 

Trong số gần 720.000 ôtô gắn thẻ thu phí không dừng, chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách. Họ dùng dịch vụ thu phí không dừng vì quá tiện lợi, xe không phải xếp hàng khi qua trạm, hạn chế được gian lận phí. Còn khoảng  gần 3 triệu ôtô của người dân ở Hà Nội, TP.HCM... không dán thẻ.  Thu phí không dừng là đề án đã đặt ra gần ba năm, này chỉ trong vài tháng liệu việc thuyết phục hàng triệu chủ ôtô hoàn tất dán thẻ thu phí không dừng có thực hiện nổi?

Ngoài ra, hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể như: Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Các vấn đề liên quan đến tài khoản giao thông, việc nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng.

Về công tác lắp đặt các trạm thu phí không dừng trên toàn quốc, giai đoạn 1 đã hoàn thành 26 trạm trong tổng số 28 trạm; 33 trạm giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2019 và hiện Tổng cục Đường bộ đang đấu thầu. 

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty thu phí tự động (VETC) - nhà cung cấp dịch vụ cho hay, trạm thu phí không dừng chưa đầy đủ ở trạm cửa ngõ thủ đô Hà Nội và TP.HCM, là hai thành phố có lượng xe nhiều hơn các địa phương khác. Tại miền Trung, các trạm đã thực hiện thu phí tự động nên phương tiện  ở miền Trung đã dán gần hết.

Tại cuộc tọa đàm, có ý kiến nêu vấn đề, khách hàng phải trả tiền trước vào thẻ, bình quân mỗi ôtô nạp từ 500.000 đồng thì lượng tiền của hơn 3 triệu tài khoản sẽ rất lớn, "vậy đơn vị cung cấp dịch vụ VETC có trả lãi cho người dùng không? Số tiền lãi qua đêm ai sẽ được hưởng?".

Trả lời vấn đề này ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho thẻ thu phí. Hơn nữa, người sử dụng chuyển tiền vào tài khoản trả trước là phục vụ lợi ích cho chính họ, giúp đi qua trạm thu phí không dừng, giảm thiểu thời gian chờ cũng như giảm ô nhiễm môi trường; trả trước thẻ thu phí tương tự việc người dân trả trước tiền điện thoại đều không được tính lãi. 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ vẫn nỗ lực trong việc tuyên truyền tới người dân ích lợi của việc tham gia thực hiện thu phí tự động. Tuy nhiên, kế hoạch hành động cụ thể để các chủ xe tham gia thì chưa thấy các đơn vị liên quan như chủ đầu tư BOT, VETC triển khai. Nếu đến thời hạn chót phải tính đến phương án xử phạt chủ xe nếu không dán thẻ thu phí tự động thì đó thực sự là một phương án không thấu tình đạt lý.