Kiến nghị giải pháp để khu vực tư nhân thành rường cột nền kinh tế nước nhà

Du lịch - Ngày đăng : 08:16, 02/05/2019

Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng - đó là sự quyết tâm của các nhà quản lý, các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân đến tham dự Diễn đàn
Kiến nghị giải pháp để khu vực tư nhân thành rường cột nền kinh tế nước nhà

6 giải pháp của Bộ tài chính để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân 

Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Xuân Hà: 

Sau đây tôi xin phép đề cập đến một số vấn đề trọng tâm của ngành tài chính nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân như sau:

tran-xuan-ha-15567681799466847-2987-8080

Ông Trần Xuân Hà- Thứ trưởng Bộ Tài chính

Thứ nhất: Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính doanh nghiệp, trong đó có các nội dung như đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thu chi tài chính, dự phòng rủi ro, chế độ kế toán, trích lập lợi nhuận nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp tư nhân có được hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ.

Thứ hai: Rà soát lại các chính sách thuế hiện hành trên cơ sở chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước thông qua thuế, cũng như chính sách ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực nhằm mở rộng cơ sở thu thuế ổn định, lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Thứ ba: Thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn cho nền kinh tế, trong đó có các nội dung như trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; thực hiện Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Thứ tư: Hoàn thiện Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội ban hành, trên cơ sở đó, rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, xây dựng cơ chế hóa đơn điện tử; tiếp tục hoàn thiện cơ chế 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế cũng như thực hiện chế độ hóa đơn điện tử.

Thứ năm: Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp theo đó là hoàn thiện quản trị công ty theo thông lệ tốt. Đây cũng là giải pháp nhằm thu hẹp phạm vi đầu tư của Nhà nước, mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Thứ sáu: Xây dựng đề án và tổ chức thực hiện giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường mua sắm công, cung cấp dịch vụ công. Đi theo đó là việc hoàn thiện chính sách xã hội hóa dịch vụ công.

5 hạn chế cần khắc phục để phát triển doanh nghiệp tư nhân

Ông Nguyễn Thiện Nhân- Bí thư thành ủy TP. HCM

ng-thien-nhan-2231-1556792518-2993-1950-

Ông Nguyễn Thiện Nhân- Bí thư Thành ủy TP. HCM

Phát biểu của đại diện địa phương, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, cách đây 28 năm, tại TP HCM cứ 3 doanh nghiệp thì có một của Nhà nước, một của tư nhân và một của nước ngoài. Năm nay trong 1.000 doanh nghiệp mới thành lập thì chỉ có một của nhà nước, hơn 300 của nước ngoài, còn lại là tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân hiện giờ chiếm 85%, nếu so với số các doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều, và đóng 63% tổng thu nhập nội địa.

Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh, trong 3 năm vừa qua, doanh nghiệp đang hoạt động tại TP HCM chiếm 50% tổng số doanh nghiệp cả nước. Cơ cấu đầu tư tổng thể hợp lý nhưng cũng có nhiều chỗ bất cập, ví dụ số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 1,6%, hai lĩnh vực công nghệ truyền thông thì đầu tư tổng cộng chiếm 8% vốn.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra những hạn chế cần khắc phục như thủ tục hành chính còn rườm rà, lạc hậu so với nhiều nước, luật pháp còn chồng chéo, chưa khắc phục. Vấn đề thiếu vốnnăng suất lao động thấp. Mức đầu tư cho một lao động của Việt Nam rất thấp, năm 2013 thua của Nhật 20 lần, của Malaysia 6,5 lần tương đương mức tụt hậu về năng suất lao động. Thứ tư, tình trạng thiếu đất và nhà dẫn đến nhu cầu quy hoạch hạ tầng ở các thành phố lớn, hàng chục nghìn doanh nghiệp ra đời ở TP HCM nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng, dịch vụ. Thứ năm, Việt Nam chưa có chính sách để khuyến khích phát triển Công nghệ thông tin. 

Xác định kinh tế tư nhân là “ rường cột” kinh tế nước nhà

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  đưa ra 10 điểm kiến nghị

vutienloc-7875-1556795641.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

1. Xác định kinh tế tư nhân là động lực và “rường cột” của nền kinh tế nước nhà.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đây là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình. Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của người dân và các doanh nghiệp dân tộc - trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

2. Chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp.

Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay, vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển. “Thể chế nào thì doanh nhân đó”, vì vậy, tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo các NQ 35, NQ 02 của Chính phủ với quyết tâm tất cả các chỉ tiêu phải đạt TOP 50 của thế giới, và điểm số chung phải lọt vào TOP 3, TOP 4 trong ASEAN vẫn phải là những ưu tiên quan trọng nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

3. Luật doanh nghiệp sửa đổi cần có giải pháp đột phá mở đường cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn lên.

10-20-30 là bức tranh tổng thể và khá bất thường của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức. Các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị Luật doanh nghiệp sửa đổi sắp tới phải hướng tới mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; Đồng thời giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.

4. Dùng một luật để sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh để khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế.

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội theo định kỳ một “luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh” (tương tự như chuỗi các Nghị quyết 19 và NQ 02 của Chính phủ) để khắc phục sớm những điểm nghẽn, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh. 

5. Lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trung lập hóa bộ máy làm chính sách.

6. Dùng gương soi năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, quận huyện (DDCI) để thúc đẩy thực thi.

Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh, thành phố giao cho các hiệp hội DN xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành (DDCI) để giám sát và tăng cường kỷ luật thực thi của bộ máy điều hành và công chức. Bằng cách này sẽ chuyển được lửa cải cách xuống cơ sở, tạo dựng niềm tin, động lực và áp lực cải cách ở các địa phương.

7. Đối tác công-tư là chìa khóa thành công.

Xã hội hóa dịch vụ công và thực hành đối tác công-tư (PPP) trong mọi lĩnh vực có thể là con đường huy động sức dân cho các mục tiêu phát triển. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong nội dung cải cách của các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, so với các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và phi chủ quản hóa các doanh nghiệp nhà nước, thì nhiệm vụ xã hội hóa các dịch vụ công các bộ ngành đang còn triển khai rất chậm trễ. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và chính quyền các địa phương xây dựng và triển khai quyết liệt chương trình này (theo đúng chủ trương của Đảng: việc gì người dân và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội làm được thì Nhà nước không ôm), để đạt được mục tiêu tinh giản hóa bộ máy, giảm chi tiêu và đầu tư của nhà nước, huy động được nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời mở ra thị trường và không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. 

8. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI.

Thực hiện chủ trương này, chúng ta có thể vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân. Các biện pháp cần triển khai là: Tạo điều kiện khu vực tư nhân, nhất là các DNNVV có thể tham gia mua cổ phần của các DN nhà nước, tham gia các dự án của Nhà nước và các gói thầu mua sắm công… Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để định hướng làn sóng đầu tư FDI mới phù hợp với yêu cầu của đất nước và không chèn lấn sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Vận động khuyến khích các DN FDI hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa và liên kết với khu vực tư nhân trong nước.

9. Bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ “tài sản quốc gia”.

Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp đang là một trong những mối quan ngại hàng đầu. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề nghị Chính phủ chủ động phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, đảm bảo thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả. Có chiến lược thúc đẩy hình thức giải quyết tranh chấp dưới hình thức trọng tài và hoà giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm đầu mối, giảm chồng chéo… Những nỗ lực này sẽ giúp an lòng doanh nghiệp và động viên họ cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia.

10. “Made-in-Vietnam”, “Made-by-Vietnam” là màu cờ, sắc áo.

Chính phủ kiến tạo - nhân dân khởi nghiệp - cải cách thể chế và nâng cấp doanh nghiệp cần là những việc song hành để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Tận dụng cơ hội to lớn mà CPTPP và EVFTA mang lại

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may kiến nghị 7 điểm:

1.Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quy hoạch các khu công nghiệp lớn trong đó có dệt may, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các trung tâm xử lý nước thải, thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA.

2.Chính sách hoàn thuế VAT cho các dự án đầu tư mở rộng chưa hợp lý cần được điều chỉnh

3.Đề nghị cho phép DN sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu cũng được hưởng thuế VAT 0% như vải nhập để gia công XK.

4.Hiện tại hướng dẫn của Bộ Tài Chính và TCHQ về xử lý phế liệu, phế phẩm trong định mức không thống nhất. Đề nghị quy định thống nhất nộp cho cơ quan thuế nội địa.

5.Kiến nghị của VITAS về Quy định về miễn thuế cho hàng xuất khẩu tại chỗ, hàng gia công lại… đã được Bộ Tài Chính ghi nhận để nghiên cứu. Rất mong Bộ Tài chính sớm nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho DN.

6.Về thông tư 21/2017/TT-BCT quy định mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm giải phóng từ thuốc nhuộm azo, mặc dù đã được Bộ Công Thương tiếp thu và có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, song vẫn còn gây khó khăn cho DN. Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục điều chỉnh 

7.Về tiền lương tối thiểu: cần cân nhắc lộ trình tăng lương, tránh tăng thường xuyên như hiện nay

Thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển

Phó chủ tịch Vingroup  Võ Quang Huệ, phụ trách VinFast kiến nghị: 

nhung-nhiem-vu-1a-6895-1556795642.jpg

Cần có chính sách thu hút đầu tư và công nghiệp phụ trợ

Với những bài học thực tiễn từ VinFast, Tập đoàn Vingroup cũng có một số ý kiến để góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển. Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ ba, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều. Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.  Thứ năm, Chính phủ cũng tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Vingroup nhận thấy sắp tới đây sẽ có thêm công ty khác sẽ chọn Việt Nam để xây dựng các nhà máy cung cấp dịch vụ đến các nước trong khu vực châu Á.  

Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước

Ông Phạm Văn Tài- Tổng giám đốc Tập đoànThaco:

Trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe/năm còn Việt Nam mới đạt 300 ngàn xe/năm) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm) còn công nghiệp ô tô Việt Nam thì chỉ mới thật sự phát triển trong vài năm gần đây, đồng thời nền công nghiệp ô tô ở các nước này được bảo hộ rất lâu và hiện nay vẫn được duy trì nhiều chính sách hỗ trợ. Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều (thống kê 3 tháng đầu năm 2019 đạt 39.000 xe các loại, bằng 1/2 cả năm 2018 là 78.200 xe). Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành xe sản xuất trong nước, đồng thời cho tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là: tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lận thương mại và thất thu thuế. Vì để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.

Ngoài ra, dựa trên thế mạnh là cơ khí và quản trị sản xuất công nghiệp THACO chúng tôi đang đầu tư với quy mô lớn vào nông nghiệp nhằm tạo sự đột phá và tạo dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam cho 2 loại nông sản là cây ăn trái và lúa. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn vẫn được xem là nhiều rủi ro. Kính mong Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.

Doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng 

Bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air :

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân,  Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh.

Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp

“Cơ quan hải quan áp dụng cách tiếp cận tập trung hơn vào đánh giá mục tiêu của các nhà nhập khẩu có rủi ro cao, thay vì của các thương nhân hợp pháp”

Bà Virginia Footer - Phó chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) 

Các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có ở đây. Chúng tôi nghe được những khiếu nại từ các công ty trong nước rằng các công ty nước ngoài được ưa chuộng và rồi chúng tôi thấy một vài dấu hiệu trong luật và nghị định dường như làm khó các công ty nước ngoài. Tạo một môi trường chẳng mấy mặn mà hoặc coi nó như một dòng vốn hạng 2 sẽ làm vốn FDI mất đi nhanh nhất.

Một lĩnh vực  nhận được quan tâm khác là những thay đổi thường xuyên và hồi tố của luật pháp và những quy định - đặc biệt bao gồm thuế suất và chính sách. Đây là những rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với nhu cầu năng lượng điện, có một nhu cầu rõ ràng và cấp bách để giải quyết sự thiếu hụt ngày càng nghiêm trong nguồn cung so với nhu cầu về điện - đặc biệt là ở miền Nam. Và giống như những công dân khác, tất cả chúng ta đều lo ngại về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và sự xuống cấp của môi trường.

Một lĩnh vực quan trọng khác là dòng chảy của hàng hóa. Sự lưu thông của hàng hóa, vật tư, linh kiện và máy móc là rất quan trọng. Chúng tôi rất hài lòng khi Việt Nam đã có những cải tiến làm thủ tục hải quan được minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, rất thường xuyên và phần lớn là không đáng khi kiểm toán sau nhập khẩu đang tạo ra gánh nặng cho các công ty. Chúng tôi khuyến khích các cơ quan hải quan áp dụng cách tiếp cận tập trung hơn vào đánh giá mục tiêu của các nhà nhập khẩu có rủi ro cao, thay vì của các thương nhân hợp pháp.

“Những thách thức cũng chính là cơ hội cho khu vực tư nhân tại Việt Nam”

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào

Theo ông, thách thức đặc biệt là khả năng cạnh tranh chuỗi cung ứng - một cơ hội cho nhiều ngành kinh tế bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ. Trong 20 năm làm việc với nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Kyle đã làm việc tại hơn 50 quốc gia và hầu hết các quốc gia này vẫn đang khao khát đạt được mức vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Điều này là hoàn toàn tốt, nhưng để đạt được giá trị trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, và thậm chí là cần đầu tư vào các hoạt động R&D cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm cả dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.

Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết việc mở rộng chuỗi giá trị tạo ra lợi nhuận gồm:  Tiền lương cao hơn (thông qua đầu ra giá trị cao hơn trên mỗi công nhân);  Gia tăng phát triển kỹ năng địa phương, chuyển giao công nghệ và R&D; Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, năng lượng, đất, nước và vật liệu;  Cơ hội tốt hơn cho các doanh nhân địa phương (bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ);  Việt Nam cần cải thiện khả năng cạnh tranh của tất cả các khu vực, cả FDI cũng như liên kết chuỗi cung ứng.

Nguyễn Mỹ Hạnh