HICT Hải Phòng: Lập kỷ lục cảng biển đón tàu lớn tại miền Bắc
Trong nước - Ngày đăng : 08:40, 07/05/2019
Tàu Wan Hai 805 sức chở 11.923 TEU, trọng tải 132.000 DWT của liên minh 3 hãng tàu Wan Hai (Đài Loan), Cosco (Trung Quốc), PIL (Singapore), chính thức đưa vào khai thác thường xuyên tại cảng HICT trên tuyến dịch vụ CPI/SEA/AC5, kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ theo hải trình HICT - Nansha - Hong Kong - Yantian - Long Beach - Oakland – Yantian. Tuyến dịch vụ mới này rút ngắn thời gian vận chuyển từ 25 ngày xuống còn 19 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước kia.
Lễ đón tàu tàu Wan Hai 805 sức chở 11.923 TEU, trọng tải 132.000 DWT- ảnh Lê Dũng |
Dấu ấn cảng trung chuyển quốc tế tại miền Bắc
Việc triển khai tuyến mới này làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam, làm giảm đáng kể chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thúc đẩy thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sự kiện lần này tiếp tục khẳng định năng lực tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn của cảng HICT. Đồng thời khẳng định vị thế của HICT trong lĩnh vực khai thác cảng container tại khu vực Hải Phòng. Đây là dấu mốc cho việc phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT nói riêng và khu vực miền Bắc Việt Nam nói chung đến các cảng châu Mỹ, châu Âu mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, cảng HICT đã liên tục đón các tàu có tải trọng lớn kết nối trực tiếp Hải Phòng tới bờ Tây & Đông Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Địa Trung Hải, ghi dấu ấn một cảng trung chuyển quốc tế tại miền Bắc Việt Nam trên bản đồ các cảng trung chuyển của khu vực và trên thế giới.
Trước đó, ngày 11/4/2019, cảng HICT đón tàu mẹ Northern Jaguar sức chở 8.814 TEU, trọng tải 108.731 DWT, chiều dài 334m trên tuyến dịch vụ PN2 do Liên minh The Alliance của 3 hãng tàu Haqag Lloyd, Ocean Network Express, Yang Ming đưa vào khai thác thường xuyên, kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với Tacoma (Hoa Kỳ) và Vancouver (Canada). Tuyến dịch vụ này rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi bờ Tây Hoa Kỳ và Canada từ 25 ngày xuống còn 17 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước kia.
Hiện tại, cảng HICT đang tiếp nhận 6 tuyến dịch vụ mỗi tuần, trong đó 2 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, 2 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ, 2 tuyến dịch vụ đi các nước trong khu vực nội Á. Cảng luôn đảm bảo năng suất giải phóng tàu cao và chất lượng dịch vụ tốt, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để thông quan hàng hóa nhanh chóng, được các hãng tàu, khách hàng đánh giá cao.
Cảng HICT là liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với hãng tàu MOL (Nhật Bản), hãng tàu Wanhai (Đài Loan) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).
Cảng HICT bắt đầu đi vào khai thác từ ngày 13/05/2018. Đây là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với 2 bến cảng container dài 750 m, luồng tàu đạt độ sâu 14m, vũng quay tàu rộng 660m, độ sâu trước bến đạt 16m. Các thiết bị của cảng được đầu tư mới đồng bộ bao gồm 8 cẩu bờ STS lớn nhất Việt nam, 24 cẩu bãi eRTG, 2 cẩu xoay cố định tại bến sà lan, cùng hệ thống quản lý, khai thác cảng TOPS-Expert và hệ thống cảng điện tử ePORT, eDO.
Cảng HICT có thể tiếp nhận tàu container sức chở lên đến 14.000 TEU (160.000 DWT), sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm.
Đón tàu " khủng" - vận tải Việt Nam được gì?
Những con tàu mẹ trọng tải hàng trăm ngàn tấn liên tiếp cập cảng Việt Nam giúp các doanh nghiệp XNK có lợi thế lớn về chi phí logistics…
Kỷ lục khả năng tiếp nhận thế hệ tàu Triple- E ( thế hệ tàu khổng lồ) cho đến này vẫn thuộc về bến cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Năm 2017 cảng này đã tiếp nhận thử nghiệm thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là siêu tàu Margrethe Maersk với sức chở 18.300TEU (194.000 DWT). CMIT thành cảng thứ 19 trên thế giới đủ khả năng tiếp nhận thế hệ tàu Triple-E (thế hệ tàu khổng lồ) 18.000 TEU.
Mới đây, ngày 11.1, CMIT lại đón tàu CMA CGM MARCO POLO, là con tàu container lớn nhất chính thức được đưa vào VN khai thác hằng tuần. Tàu CMA CGM MARCOPOLO trọng tải 187.000 tấn kết nối trực tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Bắc Âu.
Việc đón thành công các tàu mẹ đến khai thác tại các cảng nước sâu Việt Nam giúp hàng hoá XNK của Việt Nam được kết nối với các thị trường lớn trên thế giới một cách tốt nhất so với hàng hoá các nước khác trong khu vực.
Trước đây, hàng hoá XNK của Việt Nam đi Mỹ, châu Âu đều phải trung chuyển bằng tàu gom hàng nhỏ feeder tại các nước như: Singapore, Malaysia,…để kết nối với tàu mẹ. Tuy nhiên, khi tàu mẹ cập cảng Cái Mép, Hải Phòng hàng hoá được xếp dỡ lên/xuống trực tiếp từ tàu mẹ cập những cảng chính trên các tuyến hàng hải Đông – Tây mang đến cho DN nhiều lợi ích lớn như: giảm chi phí vận chuyển, chi phí xếp dỡ hai lần tại trung tâm trung chuyển do không sử dụng tàu gom hàng feeder; Giảm thiểu rủi ro trễ tàu, chờ tàu tại các trung tâm trung chuyển. Từ đó bảo quản hàng hóa tốt hơn, tránh được nguy cơ hư hỏng khi thời gian vận chuyển lâu và xếp dỡ nhiều lần.
Ngoài ra, việc chuyên chở hàng hóa trực tiếp bằng tàu mẹ giúp giảm thời gian vận chuyển, tăng tốc độ hàng hoá thâm nhập vào thị trường. Đơn cử, tại Cái Mép, hàng xuất khẩu đi Mỹ hiện chỉ mất 16 ngày khi xếp lên tàu mẹ ,thay vì 24 ngày như trước.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho rằng, các cảng biển, cảng nước sâu ở Việt Nam khi có đủ năng lực tiếp nhận các tàu mẹ trọng tải lớn, ngoài mục tiêu phục vụ cho ngoại thương Việt Nam, cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực là rất lớn, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.