Đoàn Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Trong nước - Ngày đăng : 06:48, 08/05/2019
Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP,HCM |
Tham dự buổi làm việc còn có 16 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội và 8 Bộ trưởng; các đồng chí lãnh đạo TPHCM cùng các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội Đảng XIII, chủ trì buổi làm việc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Chiến lược 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Từ đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo đầy đủ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của cả nước trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã nêu báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và đánh giá phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên địa bàn TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, thời gian qua, kinh tế TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng GRDP bình quân tăng 7,83%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ này ước khoảng 8,36%.
Tuy vậy, đồng chí Phong cũng nêu ra một số hạn chế mà TPHCM đang đối diện. Đó là tình trạng dân số tăng nhanh, tạo áp lực trong quản lý đô thị, về giáo dục, y tế, môi trường, nhà ở, an ninh đối với TPHCM.
Bên cạnh đó, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế tuy có sự chuyển biến tích cực, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công cao, sức cạnh tranh chưa tăng nhiều. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp, công nghệ sản xuất chưa cao; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong nước, nước ngoài chưa rõ nét… Cùng đó, công tác quy hoạch chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình kết nối cảng, gắn kết khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tuyến vành đai, cửa ngõ của TPHCM vẫn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu, do nhiều công trình trọng điểm chưa đủ vốn bố trí.
Đồng chí Phong cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, TPHCM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. TPHCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á.
Ngoài ra, TPHCM cũng bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, TPHCM bảo đảm an sinh xã hội và các phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử.
Với TPHCM, Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới. Bởi liên kết vùng trong không gian phát triển thì vai trò trung tâm liên kết là rất quan trọng.