Nhiều bộ vẫn nắm giữ những lĩnh vực kinh tế đáng ra là của tư nhân

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:37, 09/05/2019

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - TS. Vũ Tiến Lộc, cho rằng: "Doanh nghiệp không thể đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi hệ thống pháp lý vẫn không đầy đủ và còn kém hiệu quả”.
Nhiều bộ vẫn nắm giữ những lĩnh vực kinh tế đáng ra là của tư nhân

Nhiều doanh nghiệp nói về việc đang gánh chịu những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Đang có một thực tế là việc mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển, nền kinh tế đạt được hai mục tiêu: huy động được sức dân và tiết kiệm được nguồn lực cho Nhà nước. Vì vậy không thể dành phần rủi ro cho doanh nghiệp tư nhân gánh chịu. 

7-vu-tien-loc11-4093-1557358623.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Nhà nước chủ trương thúc đẩy xã hội hóa, nhưng chỉ khi hệ thống pháp lý thật minh bạch mới có thể huy động được nguồn vốn của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, pháp lý về đối tác công - tư còn nhiều hạn chế, thiếu minh bạch, chưa đảm bảo được quyền lợi hợp lý của nhà đầu tư. 

Hiện nay, các bộ vẫn đang sa đà vào nhiều việc không phải là chức năng chính, trong khi chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa. Nhiều bộ không còn thời gian cho công việc chính là xây dựng thể chế do vẫn nắm giữ những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được.

* Như ông nói, những cải cách kinh tế chưa cho kết quả như mong muốn?

- Một thời gian dài nước ta chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả cho thấy, hiện nay điều kiện kinh doanh vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

Trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập. Nước ta chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến so với một số nước trong khu vực, như chủ trương, định hướng mà Nhà nước mong muốn. Môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và nhất là không chính thức vẫn còn rất lớn. 

Một bất cập nữa, những tồn tại của thiết chế pháp lý đến nay vẫn chưa giải quyết được. Doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư, kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống pháp lý vẫn kém hiệu quả, trở thành rào cản.

* Nhưng đâu mới là mấu chốt của những tồn tại này?

- Theo tôi, việc cắt giảm thủ tục hành chính còn mang tính hình thức, đối phó và kỷ luật trong việc thực hiện cũng chưa nghiêm, làm cản trở những nỗ lực cải cách thể chế. Trong khi đó, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã đưa ra lộ trình cải cách nhằm đạt đến những chuẩn mực về kinh doanh theo chuẩn thế giới.

* Theo ông, những cách thức phù hợp để giảm rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân nên như thế nào?

- Cần có kỷ luật chặt chẽ trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, cần phải có những chế tài cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân. Để làm được điều này, một mặt cần có kỷ luật thực thi nghiêm minh, mặt khác cần giải phóng các cơ quan làm chính sách ra khỏi hoạt động dịch vụ công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và chuyển giao hoạt động dịch vụ công cho xã hội và thị trường.

Một điểm quan trọng nữa, để thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào những công trình phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ những nền kinh tế phát triển trên thế giới, đồng thời đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng thể chế, còn đầu tư, kinh doanh, thậm chí là phát triển những công trình kinh tế - xã hội là việc của khối doanh nghiêp tư nhân.

* Cảm ơn ông!  

Song Anh