Lưu ý với doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính trễ
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:11, 10/05/2019
Chiếu theo quy định trên, thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp trên sàn niêm yết phải công bố BCTC quý I/2019 là vào ngày 20/4, tuy nhiên tính đến nay đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa thể hoàn thành việc công bố BCTC.
Ngoài việc công bố trễ so với thời hạn quy định, điều đáng lưu ý nữa là hàng loạt doanh nghiệp còn tận dụng thời điểm kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 vừa qua để công bố BCTC, cho thấy phần lớn có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, với lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2018.
Đơn cử như Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) trong đợt nghỉ lễ vừa qua mới công bố BCTC quý I, với kết quả cho thấy lãi ròng giảm đến 57% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt hơn 103 tỷ đồng, thực hiện chưa tới 10% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm nay. Hậu quả là giá cổ phiếu giao dịch trở lại sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ giảm mạnh đến 4,5%.
Tương tự cùng thời điểm, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) công bố BCTC cho thấy lãi ròng quý I/2019 chỉ đạt gần 30 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 con số đạt được cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu TLH trong hai ngày giao dịch sau nghỉ lễ cũng đã rớt hơn 3,3%.
Việc công bố BCTC trễ hạn thường có hai nhóm, nhóm một là các doanh nghiệp do có quá nhiều công ty con, công ty liên kết nên mất nhiều thời gian để thực hiện BCTC hợp nhất. Nhóm này cũng thường có văn bản xin gia hạn thời gian công bố BCTC. Luật định hiện nay cũng cho phép điều này. Cụ thể Thông tư 155 của Bộ Tài chính quy định trong trường hợp tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn không thể hoàn thành việc công bố BCTC quý đúng hạn định do phải lập BCTC quý hợp nhất hoặc BCTC quý tổng hợp, hoặc do các công ty con, công ty liên kết của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn cũng phải lập BCTC quý hợp nhất, BCTC quý tổng hợp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn thời gian công bố BCTC quý khi có yêu cầu bằng văn bản của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
Ở nhóm thứ hai thường là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh yếu kém. Lịch sử cũng cho thấy các doanh nghiệp công bố BCTC trễ hạn mà không thuộc nhóm một thường có kết quả không mấy tích cực. Đây là điều mà các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý.
Dù doanh nghiệp có công bố BCTC ngay lúc nghỉ lễ dài ngày, thời điểm mà nhiều người cho rằng thường ít thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, thì thực tế cho thấy giá cổ phiếu của họ sau đó vẫn phản ứng tiêu cực nếu kết quả kinh doanh yếu kém.
Do đó, đối với những nhà đầu tư nhạy cảm và thận trọng, nếu nhận thấy doanh nghiệp công bố BCTC trễ hạn thì sẵn sàng"thoát hàng" do không muốn dính phải rủi ro giá cổ phiếu giảm. Vì vậy, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này trong thời điểm chờ đợi BCTC thường khó có thể đi lên do lực bán lớn trước tâm lý nghi ngờ của các nhà đầu tư.
Rõ ràng trong một thị trường tài chính còn quá nhiều vấn đề về tính minh bạch như hiện nay, thì các nhà đầu tư chỉ còn cách tự bảo vệ bằng giải pháp "đi trước một bước", tức thoái vốn, dù cũng có đôi lúc sai lầm.