Bưu điện Sài Gòn
Đời thường - Ngày đăng : 01:59, 13/05/2019
Nhà thờ Đức Bà và Công trường Hòa Bình là một hình ảnh chung tạo nên nét đẹp duyên dáng cho khu trung tâm Sài Gòn. Ngày xưa công viên này không có tên chính thức, người dân quen miệng gọi là "công viên tượng hai người", do nơi đây người Pháp cho dựng tượng giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long).
Năm 1945, tượng được tháo dỡ đưa về Pháp. Thấy bệ đá hoa cương đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, năm 1958, linh mục Phạm Văn Thiên cai quản Giáo xứ Sài Gòn, cho tạc tượng Đức Mẹ hòa bình bằng đá cẩm thạch trắng tại Ý, đến năm 1959, đưa tượng về Sài Gòn và cho đặt lên bệ đá. Từ đó, mới có tên Công trường Hòa Bình.
Cũng vào thời gian trên, ngược về trăm năm trước, đồ án Nhà dây thép Sài Gòn được kiến trúc sư Gustave Eiffel nhanh chóng hoàn tất. Ngày 11/11/1860, Pháp cho khởi công công trình tiện ích thông tin liên lạc sau khi chiếm thành Gia Định, đến ngày 13/1/1863 thì hoàn thành. Đồng thời, Pháp cho phát hành tem con cò sử dụng cho cả Đông Dương (thật ra là hình con chim phượng, biểu tượng của vua Napoleon Đệ tam). Đầu năm 1864, thư tín dán tem con cò được lưu thông khắp thế giới.
Tuy nhiên 23 năm sau, tức năm 1886, Nhà dây thép Sài Gòn của kiến trúc sư Gustave Eiffel được xây dựng lại kiên cố và to hơn, do kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux lập đồ án thiết kế một tòa nhà ba tầng. Nhà dây thép mới ở trung tâm Sài Gòn khánh thành năm 1891. Việc xây dựng lại có thể để phù hợp tỷ lệ kiến trúc với khu trung tâm khi đó đã có Nhà thờ Đức Bà vừa mới khánh thành được vài năm, Dinh Thượng Thơ xây dựng nhiều năm trước, nằm ngay góc đường La Grandière và Catinat (Lý Tự Trọng và Đồng Khởi ngày nay).
Mái vòm Nhà thờ Đức Bà |
Khối kiến trúc của Bưu điện Sài Gòn rất cân đối và chắc chắn. Mặt tiền bao gồm 20 trụ cột hình vuông đắp bằng các mảng phù điêu trên các ô cửa sổ. Riêng phần cửa chính được thiết kế hình vòm song sắt hoa văn, phía trên là mảng phù điêu lớn. Các phù điêu sử dụng hoa văn kiến trúc thời Phục hưng rất sắc sảo. Bên hông mỗi ô cửa sổ tầng trệt đều có khắc tên những nhà khoa học ngành điện tín, ngành điện, hay danh nhân thế giới. Chẳng hạn như tên của Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin, nhà vật lý người Ý Alessandro Volta, Galvani, nhà vật lý người Anh Michael Faraday, nhà hóa học và vật lý người Pháp Gay-Lussac...
Những cái tên của những con người đại diện trí tuệ nhân loại được khắc trong một ô xi măng hình chữ nhật, chung quanh trang trí các phù điêu hoa văn, trông rất khiêm tốn nhưng rất trang trọng. Nếu không để ý, chúng ta dễ dàng lướt qua mà không thấy. Ngoài ra, trên cửa chính bưu điện có ba chữ cái bằng sắt viết tắt "PTT" rất to. Theo các nhân viên bưu điện thời xưa, ba chữ cái này có nghĩa là "bưu điện", từ tiếng Pháp "Postaux, Télégraphiques et Téléphoniques". Nói chung là dịch vụ bưu chính viễn thông. Chẳng biết ngày nay ba chữ đó đã đi đâu, tháo gỡ khi nào không ai rõ.
Có một thời chỉnh trang, Bưu điện Sài Gòn "được" khoác lớp áo mới mà dư luận xôn xao bàn tán là không đúng màu nguyên thủy. Màu nguyên thủy của Bưu điện Sài Gòn từ lúc mới xây là màu gì, qua bao năm tháng màu sắc thay đổi như thế nào, khó có thể xác định chính xác, cũng như ba chữ PTT xuất hiện khi nào, rồi biến mất.
Nhưng nhìn chung, diện mạo bên ngoài lẫn bên trong của Nhà dây thép Sài Gòn xưa và Bưu Điện Sài Gòn nay gần như không thay đổi mấy. Tấm bản đồ Sài Gòn 1892, bản đồ Nam phần và Cam Bốt 1936 khảm trên tường, các quầy điện thoại, các băng ghế gỗ tuổi đã trăm năm... vẫn còn hiện diện trong tòa nhà bưu điện như bất biến cùng năm tháng...