Ngành gỗ giải ẩn số từ thị trường nội địa
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:42, 14/05/2019
Nhập từ hàng đã xuất
Năm 2007, Calucky, thương hiệu kinh doanh bình, chậu, hoa trang trí... chính thức tham gia thị trường Việt Nam. 2 năm đầu tiên, Calucky gần như thu không đủ chi dù rằng, sản phẩm bày bán ở Calucky đều do An Cơ, thương hiệu chuyên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cung cấp. Ông Bùi Huy Hùng, Giám đốc công ty An Cơ nhớ lại, thời điểm đó, khách đến tham quan rất bất ngờ khi biết các mặt hàng Calucky bày bán là dành cho thị trường xuất khẩu. "Một khách hàng đã nói: Nếu đây là hàng Việt Nam, tôi sẽ ủng hộ và giới thiệu cho bạn bè mình biết. Chính câu nói này là động lực giúp chúng tôi quyết tâm kiên trì hơn với thị trường nội địa", ông Hùng chia sẻ
Thị trường chính là xuất khẩu nhưng vô tình thấy rất nhiều sản phẩm của mình quay ngược lại thị trường trong nước bằng con đường nhập khẩu với giá thành đội lên rất nhiều lần, ông Hùng tự hỏi, vì sao phải để con đường ấy tồn tại? Nghịch lý trên khiến ông quyết định thử mở showroom, gây dựng thương hiệu Calucky. Theo ông Hùng, cách đây 10 năm, nhu cầu thị trường chưa cao lắm nhưng nay thì đã khác. Người Việt bắt đầu tự hào với sản phẩm nội thất Việt. Tính chuyên nghiệp của DN cũng đã tăng lên nên dễ dàng chinh phục thị trường. "Chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư để triển khai thị trường trong nước tốt hơn nữa", ông Hùng nói.
Không chỉ An Cơ, chuyện nhìn thấy hàng của mình sản xuất, xuất khẩu rồi quay ngược vào thị trường trong nước cũng diễn ra ở nhiều DN khác. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc công ty ván sàn Sao Nam tiết lộ, có lần chính bà đã phải lật bề trái của sản phẩm, chỉ vào con dấu của Sao Nam trên đó, khách hàng mới tin sản phẩm họ tự hào vì nhập riêng về Việt Nam là hàng Sao Nam sản xuất trong nước.
Năm 2005, ván sàn Sao Nam chính thức bước vào sản xuất. Với những cải tiến liên tục về mặt sản xuất, Sao Nam từng bước chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu… Trải qua hơn 14 năm “chinh chiến” ở thị trường quốc tế, chuyện người dùng Việt Nam nhập hàng đã xuất khiến bà phải suy nghĩ lại về mặt chiến lược. Bà Loan chia sẻ: "Từ đòi hỏi của thị trường, chúng tôi quyết định sẽ đầu tư thêm để chinh phục thị trường nội địa. Tôi nghĩ, DN xuất khẩu hoàn toàn có cơ hội tại "sân nhà"
Cách tiếp cận mới
Để đầu tư cho chuyện lội ngược dòng, Sao Nam, lần đầu tiên thiết kế, sản xuất một bộ sưu tập riêng cho thị trường Việt Nam. 12 mẫu ván sàn trong bộ sưu tập mới này có đến 4 mẫu đúng "gu" của người Việt xưa với bề mặt là màu của lim, xoan, giáng hương... Bà Loan nhận định, dù xuất khẩu rất ổn định, mỗi năm tăng trường 20 – 30%, đóng góp không nhỏ cho GDP nhưng DN trong ngành chế biến gỗ vẫn mong muốn muốn quay lại thị trường nội địa. Theo bà Loan, hiện người dùng trong nước ngày càng thích đồ gỗ để làm đẹp không gian sống. Riêng ván sàn gỗ, càng có cơ hội.
Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 9,3 tỷ USD vào năm 2018, đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới. Cả nước hiện có khoảng 4.500 DN chế biến gỗ, trong đó DN tham gia xuất khẩu khoảng 1.500 đã tạo ra gần 500.000 việc làm thường xuyên.
Không thể phủ nhận thực tế là phục vụ thị trường nội địa từ lâu đã là một khoảng trống. "Đồ nội thất phản ánh phong cách sống của chủ nhà. Với tâm lý tin tưởng hàng ngoại của người Việt, người dùng thường ưa chuộng đồ nội thất nhập khẩu cũng là bình thường. Tuy nhiên, khi biết được sản phẩm nội thất Việt đã chinh phục thị trường thế giới, người dùng hoàn toàn có thể ưu tiên trong chọn lựa bởi người dùng luôn dành tình cảm cho sản phẩm trong nước", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - Hawa nhận xét.
Theo ông Phương, Hawa cũng như các DN trong ngành đã quan tâm thị trường nội địa từ 10 năm trước và rất quyết tâm với thị trường này nhưng cách tiếp cận chưa thực sự hiệu quả, chỉ chú trọng yếu tố chất lượng và giá rẻ. Nhưng nay, những nhà sản đồ nội thất Việt Nam cũng đã bắt kịp nhu cầu, khuynh hướng tiêu dùng thế giới, gia tăng nhiều hơn hàm lượng chất xám bằng thiết kế riêng, đầu tư thời gian để tìm hiểu thị trường nội địa. Những biến chuyển này, tạo điều kiện cho DN tiếp cận người dùng trong nước tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Bùi Huy Hùng, Giám đốc công ty An Cơ cho rằng, thời gian qua, thực tế đúng là DN chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa dù biết đây là thị trường tiềm năng bởi vẫn bận chạy theo "cơm áo" từ các đơn hàng xuất khẩu, thiếu lực để tham gia thị trường trong nước. Ông khẳng định: "DN vẫn cần phát triển hơn nhất là khâu quảng bá để người dùng hiểu hơn về sản phẩm Việt Nam chất lượng và tiềm năng thế nào, đón nhận ra sao ở thị trường các nước. Tuy nhiên, người gây dựng Calucky cho rằng, đây là thị trường đòi hỏi DN phải kiên trì, dành thời gian để khách hàng có thời gian trải nghiệm".
Cùng với sự kiên trì, bà Kim Loan cho rằng, cách tiếp cận khách hàng nội địa cũng sẽ phải hoàn toàn khác, không thể chỉ mở showroom trưng bày như ngày trước mà phải mở rộng các kênh phân phối hiện đại hơn. Cụ thể, với Sao Nam, thương hiệu này chọn cách liên kết với các đơn vị thiết kế nội thất để tiếp cận khách hàng. "Hiện chúng tôi đã có 3 đơn vị thiết kế chấp nhận làm nhà phân phối. Với kinh nghiệm làm việc trực tiếp với khách hàng, những nhà thiết kế còn trao đổi, tư vấn cho Sao Nam nhiều để hiểu hơn “gu” của người dùng, giúp chúng tôi có thể lắng nghe thị trường, kịp thời cải tiến sản phẩm", bà Loan chia sẻ.
Mối liên kết giữa nhà sản xuất - đơn vị thiết kế cũng là con đường mà Hawa đang triển khai để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường nội địa. Bước đi đầu tiên cho việc gây dựng quan hệ này là Vifa GU, một triển lãm hoàn toàn mới mà Hawa tổ chức dành riêng cho người dùng trong nước, từ ngày 16 đến 19/5 tại SECC. Tại Vifa GU, các kiến trúc sư sẽ ngồi lại với DN để thiết kế nên những không gian sống đúng với thị hiếu của người Việt. "Thị trường nội địa là 100 triệu dân đầy tiềm năng, có giá trị lên đến hơn 4 tỷ USD/năm. Nếu tiếp cận bước đầu bằng thiết kế, thương mại, DN Việt Nam sẽ có cơ hội chinh phục khách hàng ở phân khúc giá trị gia tăng cao hơn", ông Phương khẳng định.