Bất bình đẳng kinh tế ngày một gia tăng vì... biến đổi khí hậu
Quốc tế - Ngày đăng : 09:39, 15/05/2019
Trong khi các nước xứ lạnh hưởng lợi, những nước gần xích đạo lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. |
Đáng nói, trong tương lai, những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu lại chính là các nước ít tham gia vào quá trình gây ra hiện tượng này nhất. Bên cạnh đó, tại một số nơi, những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, phát sinh do trái đất ấm dần lên đã và đang xuất hiện trong thời gian qua.
Theo nghiên cứu, kể từ giữa thế kỷ 20, một số nước xứ lạnh đã phát triển như Na Uy và Thụy Điển đang trở nên giàu có hơn, khi khí hậu tại những khu vực này ấm dần. Ngược lại, các quốc gia như Nigeria hay Ấn Độ, đã trở nên nghèo hơn so với triển vọng phát triển kinh tế mà đáng lẽ ra bản thân phải đạt được, nếu không có sự tác động của hiện tượng trái đất ấm dần lên.
Quan sát tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia, cũng như sự thay đổi của nó trong giai đoạn 1961 - 2010, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tài sản trên đầu người ở các nước nghèo đã giảm từ 17% - 30% do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khoảng cách giữa nhóm các nước giàu nhất và nghèo nhất đã tăng thêm 25% so với mức bình thường, nếu tình trạng khí hậu được duy trì ổn định.
Link bài viết
“Bất bình đẳng kinh tế là một thách thức vô cùng phức tạp. Tin vui là, nếu xét trên phạm vi toàn cầu, sự bất bình đẳng giữa các nước đã và đang giảm dần theo thời gian. Thế nhưng, các kết quả nghiên cứu với độ tin cậy rất cao của chúng tôi lại cho thấy, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã khiến quá trình này bị chậm lại”, nhà địa chất học Noah Diffenbaugh - giáo sư tại trường đại học Stanford, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết.
Thêm vào đó, các nghiên cứu công bố trước đây cũng chỉ ra mối quan hệ giữa nhiệt độ trái đất và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, những đợt nắng nóng không chỉ gây thiệt hại cho mùa màng, mà còn làm giảm năng suất của con người. Tại nước có khí hậu lạnh như Thuỵ Điển, nhiệt độ thường niên tăng lên có thể mang đến một vài lợi ích, chí ít là ở một số mặt. Dù vậy, nước này cũng đã bắt đầu nhận ra các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, bao gồm những đợt cháy rừng khủng khiếp vào năm 2018.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua ngưỡng lý tưởng, lượng nhiệt tăng thêm sẽ khiến nền kinh tế chịu thiệt hại. Từ các dự báo trước đây về tác động của hiện tượng trái đất ấm dần lên với nền kinh tế và hơn 20 mẫu khí hậu, nhóm nghiên cứu đã tính toán được hơn 20.000 kịch bản tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia khi không có biến đổi khí hậu. Theo đó, sự khác biệt rất rõ ràng. Đơn cử, nền kinh tế Ấn Độ hiện sở hữu quy mô nhỏ hơn 31% so với mức đáng lẽ phải đạt, nếu nóng lên toàn cầu không xảy ra.
Được biết, trái đất đã ấm lên khoảng 1ºC kể từ thời điểm diễn ra của Cách mạng Công nghiệp. Và, nếu tất cả các quốc gia đều thực hiện đúng với cam kết đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - điều mà đến nay vẫn chưa đi đúng theo lộ trình cần thiết - lượng nhiệt tăng thêm có thể duy trì ở mức 2ºC.
GDP đầu người, và xác suất gây tổn hại đến nền kinh tế có sự thay đổi tiêu cực ở các quốc gia xứ nóng, ngược lại với tình hình ở những nước xứ lạnh |
Dù vậy, thậm chí là với kịch bản 2ºC, nền kinh tế vẫn sẽ hứng chịu thiệt hại. Nhà địa chất học Diffenbaugh nói: “Lượng nhiệt tăng lên gấp đôi sẽ kéo theo nhiều tác động hơn là việc hết sức hiển nhiên”. Và, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiệt độ tăng thêm của trái đất sẽ không chỉ dừng ở mức 2ºC.
Nghiêm trọng hơn, Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc dự báo, dù tất cả các nước đã ký Hiệp định Paris cùng hành động vì biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất vẫn sẽ tăng thêm 3ºC. Vài trong số các quốc gia gây ô nhiễm nhất thậm chí đã có chính sách ứng phó với kịch bản trái đất nóng lên tới 5ºC.