Nghĩ về chính sách thương mại nhất quán của Mỹ

Du lịch - Ngày đăng : 07:04, 15/05/2019

Trưa ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức nâng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Nghĩ về chính sách thương mại nhất quán của Mỹ

Động thái đột ngột của ông Trump trong việc tăng thuế đã gây bất ngờ đối với nhiều nhà kinh doanh Mỹ, vì các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được thông báo về mức tăng thuế trước 5 ngày.

Trước đó, ngày 9/5, phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc đã đến Washington để thực hiện phiên đàm phán cuối cùng với Mỹ. Trung Quốc tin rằng việc tăng mức thuế không phải là giải pháp cho các vấn đề hiện nay và sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cho rằng nước Mỹ sẽ hài lòng nếu thâm hụt thương mại giảm xuống và cuộc tranh cãi sẽ chấm dứt khi ông Trump rời khỏi phòng Bầu dục. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ, với sự ủng hộ của quốc hội và các doanh nghiệp vẫn yêu cầu những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc. Còn các nước phương Tây vẫn phản đối mô hình tư bản nhà nước hiện nay của Trung Quốc dù ai làm Tổng thống Mỹ đi chăng nữa.

Đáp lại cú “ra đòn” của Mỹ, phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn phương án “phản đòn” bởi áp lực của ông Trump đã làm người Trung Quốc “nóng mắt” và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong họ. Trung Quốc từng không dưới một lần đề cập tới các phương án đối phó với Mỹ như áp thuế lên ô tô, chất bán dẫn và máy bay Boeing nhập khẩu từ Mỹ.

Để trấn an nông dân Mỹ đang lo thiệt hại, ngày 11/5, ông Trump viết trên Twitter: “Với hơn 100 tỷ USD thuế quan mà chúng ta có được, chúng tôi sẽ mua nông sản từ những người nông dân vĩ đại của đất nước mình với số lượng lớn hơn từng mua, và gửi số nông sản đó đến các nước nghèo đói dưới hình thức hỗ trợ nhân đạo”. Ông Trump tính chỉ cần chi 15 tỷ USD/100 tỷ USD tiền thuế thu được từ Trung Quốc đã thừa sức mua số nông sản mà nông dân Mỹ xuất khẩu.

Sau quyết định của Tổng thống Trump, các thị trường chứng khoán ở châu Á đã đỏ sàn. Chỉ số Nikkei ở Nhật Bản giảm 1%, trong khi chỉ số Shanhai Composite và Hang Seng ở Hồng Kông đều đánh mất phần tăng điểm sáng 10/5.

Thoạt đầu, theo dõi những quyết định của Tổng thống Trump, không ít người cho rằng, ông là nhà lãnh đạo bốc đồng với những quyết định “hỗn loạn và rối loạn chức năng”. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Brookings cho thấy, 65% cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã rời bỏ công việc trong vòng hai năm. Con số này cao hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm gần đây của ông.

Tuy nhiên, với giới chuyên gia thì những điều mà ông Trump đang làm hiện nay là kết quả của những nghiên cứu rất kỹ từ trước đó. Những chính sách của Tổng thống Trump với Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Trước khi bước vào tranh cử tổng thống, Trump không ngần ngại tuyên bố: “Nói thẳng, Trung Quốc không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của ta với tốc độ âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ là không thể vãn hồi. Người ta dự đoán đến năm 2027, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và điều này sẽ xảy ra nhanh hơn nếu các xu hướng thảm họa trong nền kinh tế của Obama vẫn còn tiếp diễn. Nghĩa là trong vài năm tới, Mỹ sẽ bị nhấn chìm bởi cơn sóng thần kinh tế Trung Quốc, nếu ta không hành động nhanh”.

Trong cuốn sách Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ xuất bản trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, Trump đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về Trung Quốc: “Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang đến bước quyết định. Chúng ta chỉ có rất ít thời gian để đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết nhằm giữ vững vị thế của ta trên thế giới. Cứ khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng gấp đôi. Đó là một thành tựu kinh tế khủng khiếp, và đó cũng là lý do tại sao hết năm này đến năm khác họ đánh bại ta về thương mại. Ngay lúc này, ta đang có một khoản thâm hụt thương mại khổng lồ là 300 tỷ USD với Trung Quốc. Nghĩa là mỗi năm Trung Quốc kiếm được từ Mỹ khoảng 300 tỷ USD”.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng. Khi người Mỹ dựng lên hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc sẽ là cơ hội cho nhiều quốc gia khác tham gia thị trường nhằm bù đắp những khoản thiếu hụt đó. Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng cũng phải cạnh tranh với mặt hàng Trung Quốc khi họ tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang làm dòng vốn trước đây đổ về Trung Quốc nay đổi hướng, tìm kiếm thị trường mới để đầu tư, trong đó Việt Nam là một sự lựa chọn. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư đã nói lên điều đó.

Nhìn lại những quyết định của Tổng thống Trump sau gần ba năm cầm quyền, có thể thấy chính sách của ông với Trung Quốc là nhất quán. Hơn thế, ông đang thể hiện một cách thành thực những điều đã tuyên bố từ trước khi tranh cử tổng thống. Điều này có thể sẽ là tiền lệ cho các Tổng thống Mỹ sau này khi đối phó thương mại với Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng phát sinh không ít cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội đó như thế nào thì phải có tầm nhìn chính xác về chính sách thương mại nhất quán của Mỹ đối với Trung Quốc.

Phan Thế Hải