Trò chơi truyền hình thuần Việt trong dòng chảy bền bỉ

Đời thường - Ngày đăng : 03:21, 16/05/2019

Chủ yếu phát sóng vào các buổi tối ngày thường hay buổi trưa, buổi chiều cuối tuần trên các kênh truyền hình, lại ít được quảng bá rầm rộ, nhưng trò chơi truyền hình thuần Việt vẫn “mưa dầm thấm lâu” đối với khán giả.
Trò chơi truyền hình thuần Việt trong dòng chảy bền bỉ

Cảnh trong Chương trình Ký ức vui vẻ

Không nằm ngoài xu hướng của nền công nghiệp giải trí trên thế giới, mỗi năm Việt Nam đều đặn xuất hiện cả chục trò chơi truyền hình (gameshow, reality show - truyền hình thực tế) mới đủ thể loại, dành cho đủ đối tượng người chơi và khán giả. Trong đó đa số chương trình đình đám đều được mua bản quyền từ nước ngoài và thường được ưu tiên chiếm lĩnh giờ vàng của nhiều kênh truyền hình lớn.

Tuy nhiên, chúng chỉ tạo được sức hút lớn ở vài mùa đầu phát sóng rồi theo thời gian, khi mà khán giả đã quá quen với format và muốn tìm đến những sự mới mẻ thì khó tránh khỏi rơi vào tình trạng bão hòa. Rating (chỉ số người xem) giảm mạnh, doanh thu từ quảng cáo và tài trợ (nguồn thu chính) của trò chơi truyền hình ngày càng giảm sút. Dẫu vậy, để duy trì các khung giờ phát sóng, trò chơi truyền hình có bản quyền nước ngoài mới vẫn liên tục ra đời. Chẳng hạn như năm nay, bên cạnh Trời sinh một cặp, Đấu trường âm nhạc, Cuộc đua kỳ thú, Giọng hát Việt... đã qua nhiều mùa phát sóng thì có thêm các trò chơi mới như Chạy đi chờ chi - phiên bản Running man “ăn khách” ở Hàn Quốc, hay Ai là bậc thầy chính hiệu...

Song thực tế, chúng đã không tạo được “sức nóng” mạnh mẽ như các trò chơi mua bản quyền thời hoàng kim cách nay 5-7 năm. Mặt khác, những năm gần đây, ngay cả sự chuyển dịch các trò chơi truyền hình từ tìm kiếm tài năng đến hài hước, hẹn hò, khai thác đời tư nghệ sĩ cũng không đủ lực để lôi kéo khán giả. Bởi một điều dễ nhận thấy là trong thời đại công nghệ số, truyền hình không còn là kênh duy nhất mà khán giả có nhiều lựa chọn hơn trong thực đơn giải trí của mình. Sự phát triển của những trò chơi dạng gameshow hay reality show trên mạng Internet là xu thế nhận thấy rõ trong hai năm trở lại đây. Các chương trình giải trí trên mạng cũng là một trong những“đối thủ”cạnh tranh trực tiếp với trò chơi truyền hình.

1Canh-trong-chuong-trinh-Guong-1807-2288

Cảnh trong Chương trình Gương mặt điện ảnh

Khi trò chơi mua bản quyền nước ngoài bão hòa, vài ba năm nay trò chơi truyền hình định dạng thuần Việt lại xuất hiện ngày càng nhiều, có thể điểm danh như: Vợ chồng mình hát, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng bolero, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Tiếu lâm tứ trụ, Sao nối ngôi, Hoán đổi, Phái mạnh Việt, Điệp vụ đối đầu, Đường đến danh ca vọng cổ...

Có thể nhận thấy, trò chơi thuần Việt khá đa dạng về chủ đề, thể loại từ thi tài năng, đấu võ, ẩm thực, hẹn hò, hài hước, trinh thám, thử thách bản lĩnh... Nếu trò chơi truyền hình mua bản quyền nước ngoài nặng về thi thố và giải thưởng có giá trị vật chất, thì trò chơi thuần Việt chủ yếu giải trí lành mạnh, tôn vinh giá trị gia đình, văn hóa, cộng đồng, xã hội và định hướng người xem với các tiêu chí chân - thiện - mỹ.

Trong đó, Vợ chồng mình hát ngoài thi tài ca hát, thông điệp còn giúp các cặp đôi tham gia chương trình gắn bó, yêu thương nhau hơn. Dựa trên nền tảng karaoke, Hát mãi ước mơ mang đến một thông điệp về sự gần gũi, thông qua nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh cần được sẻ chia.

Gương mặt truyền hìnhGương mặt điện ảnh chứa đựng nhiều ý nghĩa, hướng đến sự tử tế và tính nghiêm túc về nghề, những phần thi mang tính trải nghiệm thực tế cao, đầy thách thức cho những thí sinh đam mê và muốn đi đường dài với nghề. Mãi mãi thanh xuân là sân chơi hiếm hoi trên truyền hình dành cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); thông qua các phần thể hiện tài năng ca hát, ngoại ngữ, xiếc, thể thao... câu chuyện của các thí sinh ở tuổi xưa nay hiếm đã truyền đi thái độ sống tích cực, sống vui và có ích cho xã hội.

Còn các trò chơi truyền hình như Lô tô - gánh hát ngàn hoa, Đường đến danh ca vọng cổ hay Sao nối ngôi... không chỉ thi tài năng mà còn giới thiệu nhiều nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian lồng trong những câu chuyện xúc động về đời nghệ sĩ. Vừa kết thúc mùa đầu, Ký ức vui vẻ tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật, gắn kết nghệ sĩ qua nhiều thế hệ, tái hiện những trào lưu văn hóa, giới thiệu những vật dụng của ký ức từ các thập niên 1960 - 2000... đã nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả.

Trong bối cảnh trò chơi truyền hình nói chung đều đã đề cập đến đủ các vấn đề xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí... theo đúng quy luật của sự phát triển, các chương trình mang lại giá trị tinh thần và sự giải trí nghiêm túc, được sản xuất bởi những ê-kíp có tầm... vẫn có được chỗ đứng trong lòng công chúng. Và trò chơi thuần Việt tuy không gây “bão” hay phát triển “nóng”, song vẫn là một dòng chảy lặng lẽ và bền bỉ, tạo nên sức sống riêng trong lựa chọn của người xem, hấp dẫn họ bởi chính ý nghĩa và thông điệp tự thân của chương trình, chứ không phải các chiêu trò “câu khách ”hay các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo rầm rộ.

Khánh Bình